Ngày 1-9, nhiều trường ĐH công bố điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung cho thấy đã phải hạ thấp hơn rất nhiều so với điểm chuẩn NV1.
Thấp bất ngờ
Trường ĐH Tài chính - Marketing đã hạ điểm chuẩn ở mức thấp bất ngờ, khi điểm chuẩn NV bổ sung các ngành chỉ 15-16 điểm, trong khi ở NV1 hầu hết các ngành điểm chuẩn ở mức trên 20 như quản trị khách sạn: 20,5; marketing: 21; kinh doanh quốc tế: 21,75… thì NV bổ sung chỉ lấy từ 16 điểm. Đại diện nhà trường cho biết do NV1 tuyển được 60% nên chỉ còn cách hạ điểm chuẩn để mong lấp đầy chỉ tiêu.
Những thí sinh cuối cùng tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cũng công bố điểm chuẩn NV bổ sung thấp hơn 2 điểm so với NV1. Cụ thể, khối ngành kinh tế, kinh doanh, quản lý gồm: Tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, hệ thống thông tin quản lý, điểm chuẩn xét tuyển bổ sung đợt 1 là 18,5; ngành ngôn ngữ Anh 17 điểm.
Trường ĐH Sài Gòn công bố điểm chuẩn một số ngành sư phạm bằng hoặc tăng 0,25-1 điểm so với NV1, trong khi nhiều ngành ngoài sư phạm điểm chuẩn giảm từ 0,25-1 so với NV1.
Lãnh đạo Trường ĐH Thương mại cho biết điểm chuẩn xét tuyển NV bổ sung đợt 1 tất cả các ngành của trường này đều giảm còn 20, riêng ngành ngôn ngữ Anh xét tuyển khối D1, điểm tiếng Anh nhân hệ số 2 giảm từ 28,25 còn 25. Các ngành hạ điểm chuẩn nhiều nhất là kế toán, giảm 3,5 điểm từ 23,5 khối A xuống còn 20, ngành kinh tế khối A từ 23 xuống còn 20 điểm.
Tương tự, điểm trúng tuyển bổ sung của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng giảm từ 1 đến 3 điểm. Trong đó, ngành kinh tế chính trị khối C giảm nhiều nhất là 3 điểm, từ 21 còn 18. Các ngành quan hệ quốc tế, quan hệ công chúng, ngôn ngữ Anh, quảng cáo đều lấy điểm chuẩn 28 (tiếng Anh nhân hệ số 2).
Theo Trường ĐH Giao thông Vận tải, điểm chuẩn 15 ngành xét tuyển bổ sung của trường này đều giảm nhẹ. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất như kỹ thuật điều khiển và tự động hóa khối A giảm từ 7,57 còn 7,4; công nghệ thông tin khối A giảm từ 7,5 còn 7,17.
Ý thức phân luồng của thí sinh rõ ràng hơn
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy đến cuối giờ chiều 31-8, có 48.860 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào 80.950 lượt trường với 144.600 NV. Như vậy, dù thí sinh có tới 6 NV xét tuyển vào 3 trường nhưng thực tế nhiều em chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường. Bình quân trong đợt 1 xét tuyển bổ sung, mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 NV.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay theo số liệu này thì có rất nhiều thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển nhưng không nộp đăng ký xét tuyển. Quy chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em "cố" đỗ vào ĐH bất cứ ngành nào. "Khi trao cho thí sinh quyền được lựa chọn như vậy, rõ ràng mỗi em tùy thuộc hoàn cảnh, ước mơ của mình để đưa ra quyết định phù hợp. Rất nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi" - ông Ga nói
Phân tích thêm về những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng thị trường việc làm là yếu tổ ảnh hưởng đầu tiên đến sự lựa chọn của thí sinh. Nếu những năm trước đây, khối ngành kinh tế, quản lý, ngân hàng… được nhiều thí sinh lựa chọn thì nay, khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, ý thức phân luồng của thí sinh cũng rõ ràng hơn. Những thí sinh thấy khả năng học ĐH không tốt thì đã chọn học nghề ngay từ đầu. Học phí ngày càng tăng cả các trường công lập lẫn ngoài công lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của một bộ phận thí sinh, buộc các em phải tính toán về hiệu quả đầu tư. Các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… cũng đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh.
Không lấp đầy chỉ tiêu bằng mọi cách Đến thời điểm này, vẫn còn hàng trăm trường ĐH không tuyển đủ chỉ tiêu. Trước băn khoăn liệu không tuyển đủ thí sinh có ảnh hưởng tới việc phát triển của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng từ khi Bộ GD-ĐT giao các trường tự xác định và đăng ký thực hiện chỉ tiêu thì chỉ tiêu tuyển sinh là năng lực đào tạo tối đa của nhà trường. Tuy nhiên, chỉ tiêu các trường công bố hiện nay mới chỉ dựa vào năng lực tối đa đào tạo của trường, chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành nghề khác nhau. Theo ông Ga, các trường cần giới hạn tăng quy mô, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo, không nên bằng mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu mà hạ thấp chất lượng. |
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét