Giáo dục ở khía cạnh nào cũng vậy, là sự tương tác đa chiều, không ai trên đời này được phép coi người khác là vật thí nghiệm để áp đặt những phương pháp mà mình cho là đúng.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12, thí điểm năm học 2017, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được coi như ngoại ngữ thứ nhất cùng với tiếng Anh.
Trong khi, trước đây những ngoại ngữ này vốn chỉ được coi là ngoại ngữ thứ hai và được quyền lựa chọn. Thông tin này lập tức "vấp" phải phản ứng dữ dội đến từ phía các phụ huynh học sinh.
Trước vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện với chị An Xinh Trương (phụ huynh đang có con theo học tiểu học tại Hà Nội) - là tác giả của bài viết đang gây "bão".
PV: Vì sao chị lại quyết định nói lên quan điểm cá nhân của mình, thẳng thừng phản đối lộ trình thí điểm tiếng Nga, Trung của Bộ mà trước đó chưa phụ huynh nào dám có ý kiến?
Chị An Xinh Trương: Bất cứ một dự thảo nào ở một đất nước nào cũng sẽ cần có những tiếng nói của người dân để hoàn thiện. Tôi chỉ đơn giản nói lên suy nghĩ của mình một cách khách quan nhất.
Khi tôi mặc 1 cái váy đẹp và soi gương, thấy mình thật hoàn hảo, chuẩn bị ra khỏi nhà thì con tôi bảo: "Đằng sau váy mẹ bị rách kìa, xấu quá. Nhờ thế mà tôi xem lại kỹ hơn và nhận ra là nó rách thật".
Việc đơn giản chỉ là thay cái váy khác và cám ơn con. Việc gì phải nặng nề ngồi phân tích tại sao con dám thẳng thừng phê bình và chỉ ra cái xấu của tôi như thế!
PV: Được biết rằng, bài viết của chị nhận được sự đồng cảm lớn từ dư luận. Kể từ khi đăng bài đến giờ cuộc sống của chị có bị ảnh hưởng không? Chị có sợ con mình sẽ bị chú ý sau phát ngôn của mẹ không?
Chị An Xinh Trương: Tôi không biết từ khi nào một công dân của đất nước khi phát biểu chính kiến của mình nhằm đóng góp cho những điều tốt đẹp lại phải lo sợ rằng chúng có ảnh hưởng đến mình không!
Tôi vẫn luôn tin vào những điều tốt đẹp, tích cực, và công bằng. Phải chăng những người khác không đủ lòng tin vào điều ấy nên họ mãi im lặng chỉ vì hai chữ "ảnh hưởng"?
Nếu những ai quan tâm đến facebook cá nhân của tôi sẽ thấy rõ sự khách quan và rõ ràng của tôi trước các vấn đề xã hội. Tôi sẵn sàng bênh thủ tướng nếu ông ấy làm tốt, và sẵn sàng góp ý nếu ông ấy sai lầm.
Có chính phủ nào không mong có những công dân như tôi? Hay bạn tin rằng trên đời này có những quốc gia mà chính phủ chỉ thích những công dân ngoan ngoãn phục tùng, để rồi sai không biết sửa, lạc không biết lối? Lấy đâu ra tiến bộ và phát triển ở những nơi công dân chán nản buông xuôi?
Đến trẻ con còn hiểu được điều ấy!
PV: Nói thêm về dự thảo của Bộ, theo chị nếu Bộ vẫn quyết định năm học tới dạy thí điểm tiếng Trung, Nga thì có thể thực hiện được không khi: Nguồn giáo viên chưa có? Ý kiến phụ huynh bất bình? Ngoài ra, tiếng Nga, Trung vốn là những thứ tiếng khó, mức độ "nhập" được với 2 thứ tiếng này so với tiếng Anh mà chính bản thân chị đã trải nghiệm như thế nào?
Chị An Xinh Trương: Như tôi đã nói trong bài viết mà các bạn đã đăng, nguồn giáo viên hiện tại miễn cưỡng có thể chấp nhận được ở môn tiếng Anh, nhờ vài năm qua chúng ta có đầu tư vào đó.
Mặc dù còn rất nhiều giáo viên phát âm chưa chuẩn, phương pháp dạy chưa tối ưu, nhưng vẫn còn hơn giờ đây họ phải học thêm 1 ngoại ngữ nữa để dạy bọn trẻ. Ai cũng biết ngoại ngữ cần thời gian rèn luyện, không thể 1 sớm 1 chiều, cả cô và trò.
Tiếng Nga tôi chỉ được học 1 năm lớp 6, tiếng Trung tôi chưa học bao giờ, nên tôi phân tích việc không nên dạy dựa trên tính thực tiễn xã hội, hoàn cảnh xã hội chứ không theo kinh nghiệm học khó hay dễ.
PV: Phương pháp giáo dục của chị dành cho con cái và chị có lời khuyên gì đối với các vị phụ huynh trước những biến đổi liên tục của ngành giáo dục?
Chị An Xinh Trương: Tôi không mấy khi dạy con, tôi làm bạn với chúng. Tôi trò chuyện, tôn trọng và cho chúng những lời khuyên. Con tôi dạy lại cho tôi nhiều thứ, tính nhẫn nại, lòng bao dung, tình thương yêu.
Giáo dục ở khía cạnh nào cũng vậy, là sự tương tác đa chiều, không ai trên đời này được phép coi người khác là vật thí nghiệm để áp đặt những phương pháp mà mình cho là đúng.
Quan điểm của tôi: Giáo dục quyết định vận mệnh của 1 quốc gia. Ở những nước nghèo, nó là sống còn!
Tại sao Nhật Bản, Singapore không tài nguyên, không rộng lớn lại phát triển như vậy? Vì họ đã giáo dục thành công bọn trẻ từ khi tới trường rằng thế giới này có gì hay thì phải học, học xong tay có làm thì hàm mới có nhai, phải nỗ lực dựa vào tự thân chứ đừng mong đào tiền từ dưới đất lên mà giàu có.
Tại sao hợp chủng quốc Hoa Kỳ là dân tứ xứ hợp thành, không cùng dòng máu, không cùng tổ tiên... họ lại đoàn kết đến như vậy, tài giỏi như vậy, yêu Tổ quốc của họ như vậy, xây dựng lên 1 đế chế hàng đầu như vậy? Vì họ đã cùng giáo dục lẫn nhau, lắng nghe, sửa chữa, đối mặt với thực tế từng ngày!
Cái quan trọng nhất là, để giáo dục được bọn trẻ, chính người lớn phải làm gương!
Xã hội không ngừng tiến lên, khoa học không ngừng phát triển, tại sao sự bảo thủ lại có quyền níu chân cả một dân tộc vốn đã có ưu đãi từ thiên nhiên giàu đẹp như chúng ta.
Không thay đổi bây giờ, thì là bao giờ? Không lên tiếng từ bây giờ, thì con cái chúng ta cũng sẽ học được sự im lặng cúi đầu từ bố mẹ chúng hay sao?
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét