Một lớp học Ngoại ngữ (ảnh: Sự kiện hay)
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cùng với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất.
Theo đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.
Năm học 2016-2017, Bộ đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM. Môn này lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai. Đề xuất này của Bộ GD&ĐT đã gây ra không ít ý kiến trái chiều.
Để rộng đường dư luận, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT.
Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc dạy nhiều ngoại ngữ ở các trường phổ thông, xin PGS.TS có thể cho biết quan điểm của mình?
Bộ GD&ĐT đề xuất dạy thêm tiếng Trung, Nhật , Hàn...ở chương trình phổ thông là điều hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ trước đó đã rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng dạy theo mô hình này, họ cũng dạy song song nhiều ngoại ngữ.
Việt Nam chúng ta cũng làm tương tự, đầu tiên chúng ta dạy tiếng Anh sau đó đó đưa thêm các ngoại ngữ khác như: Pháp, Nhật, Trung...là điều hoàn toàn bình thường. Hiện nay, các nước trên thế giới đều tiến hành hội nhập và sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, tiếng Anh ta cũng dạy rồi.
Bây giờ đưa thêm các ngoại ngữ khác vào là điều cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có một lộ trình rõ ràng, nên đưa tiếng nào vào dạy trước, tiếng nào dạy sau và quy hoạch thế nào để việc học thực sự có hiệu quả đó mới là mối quan tâm.
Trước hết nói về tiếng Trung. Theo quan điểm của tôi, học sinh thực sự cần phải học tiếng Trung vì chúng ta có một nước láng giềng hơn 1,4 tỷ dân đương nhiên phải có những mối quan hệ nhất định về mặt ngoại giao cũng như kinh tế và học thuật. Đặc biệt, ở vùng biên giới lại càng có sự giao lưu nhiều hơn nên việc học thực sự cần thiết.
Nước Nhật có hơn 130 triệu dân và quan hệ đầu tư với chúng ta ngày càng nhiều. Điển hình là các khu công nghiệp do Nhật đầu tư mọc lên như nấm.
Tiếp đến là tiếng Nga. Trước đó, chúng ta cũng có quan hệ rất lâu đời với Nga. Hơn nữa, hơn chục năm về trước chúng ta cũng đã từng dạy tiếng Nga ở Việt Nam nên bây giờ đưa vào dạy tiếng Nga cũng không có vấn đề gì. Đó là chưa kể, Nga là nước có thế mạnh về khoa học kỹ thuật. Vì thế, Bộ GD&ĐT đề xuất đưa các ngoại ngữ trên vào dạy tại các trường phổ thông là điều hợp lý.
Thưa PGS.TS cách đây nhiều năm, với thế hệ 7X tiếng Nga là ngôn ngữ "cực thịnh" trong các trường phổ thông và ĐH. Tuy nhiên, sau đó nó bị chối bỏ đầy phũ phàng. Nhiều người học tiếng Nga sau đó không tìm được việc. Và cho tới giờ với họ, thứ tiếng này đã chìm vào quên lãng. Nhiều người cho rằng, với đề xuất này, Bộ GD&ĐT sẽ đưa thế hệ trẻ rơi vào "vết xe đổ" của thế hệ trước, PGS.TS suy nghĩ gì về điều này?
Thế hệ 7X, 8X chúng ta có quan hệ với Nga khá sâu sắc nên Bộ định hướng cho học sinh học tiếng Nga nhưng sau đó không sử dụng hết nhân lực biết tiếng Nga.
Thực ra, bản thân tôi cũng được thừa hưởng rất nhiều từ việc học tiếng Nga cùng thế hệ 7X, 8X. Nhờ biết tiếng nên tôi có thể tiếp thu được khoa học, kỹ thuật, trình độ văn hóa nên mới có thể nâng cao trình độ về phục vụ cho đất nước. Giờ quan hệ của chúng ta với Nga đã gắn bó hơn rất nhiều nên việc dạy tiếng Nga cho học sinh phổ thông là cần thiết.
Nhiều người cho rằng, vừa đưa ra đề xuất mà Bộ GD&ĐT đã thực hiện thí điểm ngay tại một số trường trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM là quá vội vàng. PGS.TS suy nghĩ sao về nhận xét này?
Đề xuất của Bộ với việc đưa các ngoại ngữ khác vào dạy tại các trường phổ thông là điều chính xác không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị về đội ngũ cán bộ, giáo viên cho đầy đủ, chuẩn bị về công tác quy hoạch như những địa điểm nào cần thiết học tiếng Pháp, tiếng Hàn. Hay ví dụ như, các tỉnh biên giới thì nên học tiếng Trung. Ở Khánh Hòa, Cam Ranh hay những nơi có dự án mà Nga sẽ đầu tư thì nên học tiếng Nga...
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tuyên truyền, để các em tự giác học chứ không phải bắt buộc tất cả học sinh phải học hết các thứ tiếng trên. Quan điểm của tôi là, học sinh nào thích tiếng gì thì học tiếng ấy, có bạn không thích học cũng không sao.
Chỉ khi các em tự nguyện, tự giác và thích thú thì việc học mới không tạo áp lực cho các em. Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh để họ định hướng cho con trong tương lai sẽ học gì và ở đâu rồi căn cứ vào đó mà chọn ngoại ngữ để học.
Ngoài ra, phải tổ chức học có kế hoạch chứ không thể học như cột mỡ, leo lên rồi lại tụt xuống mà không có kết quả gì. Khâu này là khâu mà hiện nay chúng ta đang rất yếu.
Cũng đã có người thắc mắc với tôi hiện nay trường ĐH Sư Phạm Hà Nội và trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2 chỉ đào tạo ngành sư phạm tiếng Anh, Pháp, Trung. Vậy còn những thứ tiếng còn lại chúng ta lấy đâu ra giáo viên? Vì thế, cần một lộ trình trước khi áp dụng là họ đang hiểu sai vấn đề.
Hiện nay, có người có thể dạy được tiếng Nhật, Hàn, Đức...nhưng chưa nhiều. Chính vì thế, Bộ mới cho thí điểm trước và dạy ở những nơi nào có đủ giáo viên có trình độ và có nhu cầu người học chứ không phải áp dụng trên toàn quốc. Sau đó, nhu cầu tới đâu ta đào tạo giáo viên tới đó. Hiện các nước trên thế giới cũng làm như vậy.
Có ý kiến cho rằng, học tiếng Anh còn chưa xong thì học những thứ tiếng khác có hiệu quả không? PGS.TS suy nghĩ sao về câu hỏi này?
Nếu các cháu có năng khiếu học ngoại ngữ thì việc học song song nhiều thứ tiếng khác nhau cũng không có vấn đề gì. Điều này đã giải thích tại sao một người lại có thể nói được nhiều thứ tiếng khác nhau như vậy.
Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét