Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa đề xuất 5 giải pháp nhằm quản lý tốt việc dạy thêm - học thêm theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.
Hiệu trưởng chịu kỷ luật cao
Các giải pháp mà Sở GD-ĐT TP HCM đề xuất thực hiện nhằm quản lý tốt việc dạy thêm - học thêm gồm 5 nội dung.
Theo đó, không cho phép giáo viên (GV) dạy học sinh (HS) mà mình dạy chính khóa trong bất cứ trường hợp nào; xử lý ở mức cao nhất nếu GV vi phạm. Nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý dạy thêm của GV; hiệu trưởng chịu mức kỷ luật cao nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia học thêm của GV trong đơn vị mình phụ trách. Ngừng cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm trong các trường. Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới cách đánh giá, ra đề kiểm tra, đề thi...; chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng từ chương, học thuộc. Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quận - huyện, cơ quan báo - đài đẩy mạnh các biện pháp đã triển khai; tăng cường thanh tra, kiểm tra để chấm dứt nạn dạy thêm - học thêm trái quy định trên địa bàn TP.
Học sinh đi học thêm tại 1 trung tâm vào buổi tối. Ảnh: Tấn Thạnh
Sở GD-ĐT cũng nêu rõ từ năm học 2016-2017, TP HCM sẽ chấm dứt việc tổ chức dạy thêm - học thêm trong tất cả các trường học theo chỉ đạo của lãnh đạo TP và chấp thuận của Bộ GD-ĐT. Điều này không đồng nghĩa với việc cấm GV dạy thêm. GV vẫn có thể tham gia dạy thêm tại các trung tâm, cơ sở dạy thêm - học thêm bên ngoài nhà trường theo đúng quy định.
Không được giao bài tập quá nhiều
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng nếu Sở GD-ĐT đã đưa ra 5 giải pháp như trên thì cần làm rõ và trả lời hiệu quả của từng giải pháp ra sao. Cần giải thích rõ lộ trình như thế nào, bởi suy cho cùng, dù biện pháp nào thì việc tạo điều kiện để GV dạy hiệu quả trong nhà trường vẫn phải đặt lên hàng đầu.
PGS Tống nêu thực trạng: Hiện nay, có sự trái ngược trong việc giao bài tập về nhà ở bậc phổ thông và ĐH. Ở bậc phổ thông, HS không cần nhiều bài tập về nhà thì lại bị GV giao quá nhiều. Đó cũng là lý do khiến HS phổ thông phải đi học thêm. Nên chăng, quản lý chặt việc giao bài tập cho HS để dần tiến tới chuyện HS không phải đi học thêm nữa?
Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng giải pháp lâu dài là giảm tải chương trình, đổi mới cách kiểm tra thi cử. GV một trường THPT tại quận 7, TP HCM cho biết hiện nay, phụ huynh quá coi trọng điểm số của con. Điều đó vô hình trung tạo áp lực cho con rất nhiều, khiến việc học thêm - dạy thêm trở nên nặng nề và méo mó. Nếu các đề kiểm tra, đề thi tiến tới việc đánh giá kỹ năng, tư duy của HS nhiều hơn nữa thay vì kiểm tra kiến thức thì cũng sẽ góp phần hạn chế việc HS phải đi học thêm do quá tải chương trình.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1, TP HCM cho rằng về cơ bản, chẳng hiệu trưởng nào muốn thêm việc cho mình nhưng nếu giao trách nhiệm, quyền lợi đi kèm cho người đứng đầu nhà trường quản lý việc dạy thêm của GV thì cũng là biện pháp tốt. "Khi giao hẳn trách nhiệm cho người lãnh đạo nhà trường thì không ai dám lơ là để chuyện GV ép buộc HS đi học thêm xảy ra" - vị này nhìn nhận.
Lấy lại hình ảnh người thầy Những ngày qua, Báo Người Lao Động nhận được hàng trăm ý kiến xung quanh việc Sở GD-ĐT TP HCM đưa ra các giải pháp để chấm dứt tình trạng dạy thêm - học thêm. Bên cạnh những ý kiến cho rằng học thêm là nhu cầu có thật thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng chủ trương chấm dứt học thêm - dạy thêm là đúng. Bạn đọc Thái Bảo cho rằng GV mà dạy thêm cho chính HS của mình thì phải cấm triệt để. Rất nhiều GV ở lớp không truyền hết kiến thức, dành một phần để truyền trong lớp học thêm. Những em đi học thêm thì dạy các bài tập gần giống với bài kiểm tra sắp tới ở lớp; các em không học thêm thì bị gây khó dễ... Tình trạng này xảy ra nhiều, do vậy đề nghị cấm triệt để việc GV dạy thêm HS do mình phụ trách. Theo bạn đọc Mi Lê, nhiệm vụ của GV là trang bị kiến thức cho HS trong giờ học chính khóa. Nếu thấy cần dạy thêm để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho HS thì không được thu tiền (vì đây là nhiệm vụ). Nhiều bạn đọc cũng cho rằng việc cấm dạy thêm thực sự làm buồn lòng một số GV có dạy thêm nhưng bớt đi gánh nặng cho HS. Nhà nước giải quyết lợi ích cho số đông tất nhiên sẽ có một thiểu số trong xã hội không hài lòng. Ngoài ra, việc cấm dạy thêm làm cho người thầy trong mắt các em HS sẽ cao đẹp hơn. "Cái tâm cao đẹp của nhà giáo vùng sâu, vùng xa rất được xã hội đề cao. Họ thực sự vì HS mà cống hiến công sức của mình. Ngược lại, nhà giáo ở thành thị đa phần là dạy thêm để tăng thu nhập. Vậy cấm dạy thêm là đúng. Nếu vì HS thì sẽ có nhiều việc làm đẹp cho các em như dạy phụ đạo cho HS yếu kém. Nếu cần tăng thu nhập thì cứ vào các trung tâm mà dạy thêm. Tài năng và thu nhập của các thầy cô sẽ được ghi nhận tại các trung tâm" - bạn đọc Nguyễn Văn Can nêu ý kiến. B.Lâm |
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét