Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Đau đầu vì cha mẹ ‘úm’ con

Chuyện cha mẹ bỏ ngang công việc, chạy tức tốc đến trường con cái đưa sách vở hay đồ dùng học tập mà các "quý tử" hay "con gái rượu" mình để quên có lẽ là cảnh tượng không lạ lẫm gì đối với các gia đình ở Việt Nam hay rộng hơn là các gia đình châu Á.

Các nghiên cứu về giáo dục tại nước ngoài thậm chí đã sáng tạo ra một cụm từ dành riêng cho kiểu "tiếp sức" này của các bậc phụ huynh là: "Cha mẹ trực thăng". Ví von cha mẹ cứ vờn quanh con cái theo dõi và cứ hễ con cần gì, dù là việc cỏn con cũng liền "đáp xuống" giúp. Nền giáo dục nhiều nước đã phải lên tiếng báo động về tình trạng này.

Trường học "tuýt còi"

Theo tìm hiểu của tờ Straits Times đăng trong bài viết ngày 26-6, có gần 10 trường học tại Singapore trong vài năm qua đã bắt đầu "tuýt còi" kiểu chăm sóc con cái quá kỹ lưỡng này để có thể nuôi dưỡng tinh thần tự lập cho trẻ. Tờ The New Paper (Singapore) tháng 3-2017 cho biết Trường Tiểu học Trường Dòng Kuo Chuan cho dựng hẳn một biển báo yêu cầu phụ huynh "quay đầu xe về đi" nếu như họ tới trường để đưa đồ cho con cái. Một loạt trường tiểu học khác như Rosyth, Bukit Timah hay Coral… cũng ra quy định cấm phụ huynh đưa đồ cho con cái trong khung giờ học.

Tháng 3-2016, Trường Tiểu học Bukit Timah cũng viết thư gửi toàn thể phụ huynh học sinh (HS) của trường để phản ánh tình trạng "cha mẹ trực thăng". Lá thư cho biết chỉ trong một học kỳ, ban giám hiệu trường đã nhận hơn 60 lời yêu cầu của các phụ huynh xin đưa đồ cho con cái, đa phần là các thứ nhỏ nhặt như bài tập về nhà hay tiền tiêu vặt. Trường thông báo sẽ chấm dứt tình trạng các tiết học bị gián đoạn vì những yêu cầu lặt vặt này. Tháng 2-2016, hiệu trưởng của Trường Tiểu học CHIJ, bà Margaret Tan, cũng khẳng định tình trạng "cha mẹ trực thăng" đang tăng mạnh tại trường và yêu cầu phụ huynh để cho con cái tự giải quyết các rắc rối của mình. Trường cũng khuyến khích các em mạnh dạn thông báo cho giáo viên nếu quên đồ dùng để rèn luyện tính trung thực.

Một số trường chỉ cho phép phụ huynh đưa đồ cho con nếu vật dụng bị bỏ quên có tác động đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ như là thuốc men hoặc mắt kính. Các trường quyết định "tuýt còi" phụ huynh cũng không quên chuẩn bị sẵn các nguồn lực dự trữ để hỗ trợ HS. Chẳng hạn như Trường Bukit Timah có chính sách cho HS mượn tiền tiêu vặt và sau đó sẽ báo lại cho phụ huynh, hay Trường Rosyth đã cho lập một tủ quần áo đồng phục để các em mượn nếu quên đồ hoặc gặp sự cố.

Việc "tuýt còi" không chỉ là những nỗ lực của riêng một vài trường học ở Singapore. Bộ Giáo dục nước này cũng đang có những động thái tương tự nhằm dẹp tình trạng "làm hộ con cái". Đầu tháng 6-2017 bộ này đã đăng tải một bài viết trên tài khoản Facebook chỉ ra các gương xấu của tình trạng "cha mẹ trực thăng": Cãi vã với giáo viên để con tăng thêm 1 điểm, làm hộ bài tập về nhà hay mang bài tập đến trường vì con bỏ quên. "Bạn muốn giúp đỡ con cái. Nhưng bạn có biết kiểu "cha mẹ trực thăng" này làm con bạn thụt lùi về tính tự lập, khả năng nhận thức và kỹ năng không?" - bài viết của Bộ Giáo dục Singapore nhận được hơn 2.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

Đau đầu vì cha mẹ 'úm' con - 1

Cha mẹ bảo bọc con cái từ những việc nhỏ nhặt nhất là hiện tượng đang khiến các nhà quản lý giáo dục từ Đông sang Tây đau đầu. Ảnh: STRAITS TIMES 

Đau đầu vì cha mẹ 'úm' con - 2

Những phụ huynh lúc nào cũng bảo bọc con cái từ nhỏ đến lớn được ví von là "cha mẹ trực thăng". Biếm họa: STRAITS TIMES

Đến Mỹ cũng đau đầu

Không chỉ riêng các nước Đông Á, kiểu "cha mẹ trực thăng" cũng đang làm cho các nhà quản lý giáo dục phương Tây đau đầu. Cụm từ này đã được hai nhà nghiên cứu Foster Cline và Jim Fay (Mỹ) đưa ra tận những năm 1990 nhưng chỉ thật sự thịnh hành từ đầu những năm 2000 đến nay. Theo tờ The Huffington Post, "cha mẹ trực thăng" thường là những người sinh từ năm 1965 đến 1979. Trưởng thành trong giai đoạn nhiều khó khăn và biến động, thế hệ này tự cảm thấy mình cần có trách nhiệm đối với sự nghiệp của con cái mình, tờ The New York Times dẫn lời Ryan Webb, một chuyên gia về nguồn nhân lực và tuyển dụng tại New York.

Tình trạng cha mẹ bảo bọc quá đà cho con cái tại Mỹ không chỉ xuất hiện ở các cấp học phổ thông mà thậm chí còn chen chân vào đại học. Trả lời tờ The Washington Post, chủ tịch Trường Đại học (ĐH) Frostburg (bang Maryland) cho biết từng có nhiều phụ huynh gọi điện thoại thẳng cho ông chỉ vì các tranh cãi lặt vặt giữa con cái họ và bạn cùng phòng. "Thay vì bảo con cái họ nói chuyện với trợ lý hoặc giám đốc ký túc xá, các phụ huynh này gọi thẳng đến văn phòng của tôi. Tôi nghĩ phản ứng này hơi thái quá" - ông Jonathan Gibralter cho biết.

Một đăng tải trên trang chủ ĐH Indiana (Mỹ) đã cảnh báo tình trạng "cha mẹ trực thăng" đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của sinh viên (SV) ĐH tại Mỹ. Điều này khiến giới trẻ không tìm ra được cách cân bằng giữa khi nào cần tìm kiếm sự tư vấn giúp đỡ và khi nào nên tự đưa ra quyết định. Một số nghiên cứu đánh giá SV Mỹ hiện nay đang mất dần tính độc lập đặc trưng của mình. The Washington Post nhận định cùng với sự phát triển của công nghệ, việc giám sát hoạt động hằng ngày và điểm số của con cái trên mạng đã ăn vào nếp sống của thế hệ phụ huynh hiện nay. Hai giáo sư ĐH Fresno (California) là Bradley-Geist và Olson-Buchanan cũng cảnh báo rằng những SV nào có "cha mẹ trực thăng" sẽ mất nhiều thời gian hơn để tin tưởng vào năng lực bản thân. Các SV này sẽ có xu hướng phụ thuộc nhiều vào người khác, dễ nhụt chí, thiếu kỹ năng mềm và thậm chí dễ mắc các chứng bệnh về tâm lý như trầm cảm hay hồi hộp kéo dài.

Hiện tượng này thậm chí còn được ghi nhận trong quá trình tuyển dụng. Trả lời tờ The New York Times, Brandi Britton, một chuyên viên tuyển dụng tại New York, cho biết trong vài năm qua đã gặp nhiều trường hợp cha hoặc mẹ của nhân viên gọi điện thoại trao đổi với cô về công việc cho con mình. Nhiều phụ huynh thậm chí còn lo luôn giùm con cái hồ sơ xin việc, lên lịch phỏng vấn hay thậm chí đến gặp nhà tuyển dụng giùm con (!). Vào năm 2007, Viện Nghiên cứu tuyển dụng tốt nghiệp ĐH của ĐH Michigan cho khảo sát 725 công ty thì hết 1/4 xác nhận có "va chạm" với phụ huynh của các cá nhân ứng tuyển trong quá trình tuyển dụng hoặc giai đoạn đầu của công việc.

"Cai nghiện phụ huynh" cho SV

Chuyên gia tâm lý của ĐH Indiana (Mỹ) Chris Meno cho biết cô đã phải tư vấn cho nhiều HS bị bảo bọc quá đà bằng các phương thức chẳng khác gì "cai nghiện":

"Tôi sẽ đưa ra các gợi ý như "Ngay khi vừa tính gọi điện thoại về nhà, em hãy tự hỏi mình xem có cách nào khác để em tự giải quyết vấn đề của mình hay không" hoặc "Nếu như em gọi điện thoại về nhà một ngày những bốn lần, cố gắng giảm xuống còn một lần thôi". Tôi muốn SV học cách tin tưởng các đánh giá và quyết định của bản thân". 

Nếu ngăn cấm 9 điều này, cha mẹ đừng mong con tự tin và thông minh

Mỗi đứa trẻ cần 1 ranh giới để cảm thấy an toàn và tự do bộc lộ khả năng, cá tính của mình. Nếu cha mẹ ngăn cấm...

Let's block ads! (Why?)



Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét