Theo GS Nguyễn Viết Thịnh – Đại học Sư phạm Hà Nội.
Xin chào Giáo sư Thịnh, là một thành viên của ban soạn thảo môn Địa lý mới trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, xin Giáo sư cho biết những nét mới của môn địa lý như thế nào?
GS Nguyễn Viết Thịnh: Những nét mới của môn Địa lý trong Chương trình đang được xin ý kiến rộng rãi thể hiện ở vị trí môn học, mục tiêu môn học, xác định yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. Có thể nói, tùy theo mức độ mà những nét mới này đều được thể hiện ở chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Ở tiểu học, Địa lý là một nội dung trong môn Lịch sử và Địa lý (lớp 4, lớp 5), là sự nối tiếp môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3. So với chương trình hiện hành, nội dung Địa lý tiểu học chú ý giảm tải, chú trọng hình thành các biểu tượng địa lý gần gũi với học sinh và một số dấu hiệu đơn giản của khái niệm địa lý. Điểm mới trong xây dựng chương trình ở tiểu học là không phân biệt mạch kiến thức lịch sử và địa lý, để học sinh có được hình ảnh ấn tượng về một địa phương, với nét đặc sắc về thiên nhiên, về con người, di sản văn hóa.
Ở trung học cơ sở, Địa lý không là môn học độc lập như trong chương trình hiện hành, mà là một phân môn trong môn Lịch sử và Địa lý, một môn tích hợp. Trong môn Lịch sử và Địa lý, các mạch nội dung của Địa lý vẫn giữ như trong chương trình hiện hành là đi từ địa lý tự nhiên đại cương, địa lý các châu lục đến địa lý tự nhiên Việt Nam và địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam.
So với chương trình hiện hành, nội dung về địa lý tự nhiên Việt Nam được phân bổ thời gian gấp đôi. Nội dung về địa lý Tổ quốc được dành 50% thời lượng, đó là không kể chương trình về địa lý địa phương do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng.
Trong môn Lịch sử và Địa lý, nét mới trong tiếp cận phương pháp dạy học là sự tích hợp ở cả ba mức độ: tích hợp nội môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn tạo thành chủ đề chung.
Trong môn Lịch sử và Địa lý, sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lý sẽ giúp hình thành ở HS một cách thức tư duy, nhìn nhận thế giới duy nhất theo cả chiều không gian và chiều thời gian trên cơ sở sử dụng những kiến thức cốt lõi, các công cụ học tập và nghiên cứu lịch sử và địa lý. Thông qua đó, học sinh có năng lực vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn và từng bước sáng tạo.
Trong chương trình môn học mới theo quan điểm phát triển năng lực học sinh, trong đó có các năng lực chuyên môn đã dẫn đến chỗ thay đổi quan điểm đánh giá kết quả giáo dục. Đó là: chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức làm trung tâm của việc đánh giá. Bên cạnh nội dung lý thuyết, coi trọng việc đánh giá các kỹ năng thực hành.
Ở trung học phổ thông, môn Địa lý là môn tự chọn phục vụ cho yêu cầu phân hóa. Đây là điểm khác so với chương trình hiện hành. Là môn học vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, môn Địa lý giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học Địa lý, các ngành nghề có liên quan đến địa lý, khả năng ứng dụng kiến thức địa lý trong đời sống; đồng thời, củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kỹ năng phổ thông cốt lõi đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo cơ sở vững chắc giúp học sinh tiếp tục theo học các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và tạo điều kiện thuận lợi để người học có định hướng đúng trong việc lựa chọn một số ngành nghề liên quan.
Những thay đổi này được xây dựng trên quan điểm như thế nào thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Viết Thịnh: Những thay đổi này được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm và quy định cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên ở đây chúng tôi nhận thức được có những quan điểm rất quan trọng:
- Quan điểm về tích hợp ở lớp dưới (giai đoạn giáo dục cơ bản) và phân hóa ở lớp trên (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp).
- Quan điểm xây dựng chương trình nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, trong đó có các phẩm chất và năng lực cốt lõi, các năng lực chuyên môn, mà các năng lực chuyên môn này được cụ thể hóa phù hợp với từng môn học.
- Quan điểm về xây dựng chương trình có tính mở.
- Quan điểm đổi mới phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Ông có lo ngại gì về việc môn học mới học sinh sẽ thích còn giáo viên sẽ khó khăn bởi vì với những thay đổi trong cách dạy cũng như giúp học sinh tiếp cận các kiến thức địa lý hoàn toàn khác với chương trình cũ thì không phải giáo viên nào cũng làm được?
GS Nguyễn Viết Thịnh: Nếu tin tưởng và hình dung được học sinh sẽ thích môn học mới, đã là động lực quan trọng để chúng ta kiên định việc lựa chọn đổi mới chương trình môn học. Tất nhiên, học sinh sẽ chỉ thích môn học khi các em ý thức được rằng học môn này là cần thiết cho học vấn cơ bản của các em, cần cho hành trang vào đời của các em. Học sinh chỉ thích khi các em không phải nhớ máy móc quá nhiều các sự kiện, các em được tư duy sáng tạo, được thực hành, được liên hệ với thực tiễn sống động.
Học sinh sẽ thích học nếu được học các thầy cô giỏi (không chỉ về chuyên môn, mà còn biết khơi dậy các tiềm năng ở các em). Đổi mới chương trình là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Việc giúp các giáo viên bớt khó khăn khi thực hiện chương trình mới có phần trách nhiệm của các tác giả chương trình, sách giáo khoa, chung tay cùng các cơ sở giáo dục từ trung ương đến địa phương. Nhưng tôi tin là khi tạo ra được sự đồng thuận xã hội, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự phấn khởi đi đôi với trách nhiệm của các nhà giáo, thì chúng ta có được lộ trình thích hợp để giải quyết vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét