Ngày 8.2, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản tới Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét sự việc, rà soát kỹ lượng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư theo quy định, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20.2.
Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng
Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 1.226, gấp 1,7 lần so với năm 2016, 2,3 lần năm 2015.
Đáng ra, chúng ta phải vui mừng trước số người có học hàm GS, PGS tăng lên thì hầu hết lại đều lo ngại về chất lượng của đội ngũ này, khi người ta nhận thấy có dấu hiệu của việc "tháo khoán" trước khi những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn trong phong chức danh GS, PGS được đưa ra.
Xã hội đặc biệt quan tâm còn là bởi đây được coi là đội ngũ trí thức "rường cột" của nước nhà.
Lịch sử đã chứng minh vai trò của người trí thức với xã hội, từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến ngày nay, khi các bậc trí thức hiền tài được gọi là "nguyên khí quốc gia". Cho nên nếu chất lượng đội ngũ này không tốt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển xã hội.
Mặc dù người đứng đầu Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước lý giải nguyên nhân số lượng tăng là do thời gian kết thúc nhận hồ sơ trễ hơn mọi năm khoảng 6 tháng, nhưng điều này không thuyết phục được công chúng.
Bởi câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ chỉ cần 6 tháng là đã "mọc" thêm một số lượng vài trăm người đủ tiêu chuẩn GS, PGS hay sao?
Cả nước có một số lượng GS, PGS đông đảo, nhưng những người thực tài trong danh sách đó chắc chắn không là tất cả.
Có thể thấy điều này khi điểm tên những công trình có giá trị, có ích cho xã hội còn chưa tương xứng với danh sách dài dằng dặc các GS. PGS ở các lĩnh vực.
Điều này không chỉ làm "vàng thau lẫn lộn" giữa những người thực tài với những người hư danh, mà còn kéo nền tảng tri thức của xã hội đi xuống trong khi lẽ ra theo qui luật là phải đi lên.
Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 1.226, gấp 1,7 lần so với năm 2016, 2,3 lần năm 2015 (trong ảnh). Ảnh: Vietnamnet
PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao chia sẻ: Có những người không đủ tiêu chuẩn để công nhận chức danh GS, PGS nhưng vẫn cố "chạy chọt" bằng được. Ví như họ không đi dạy nhưng vẫn xin giấy chứng nhận ở một trường nào đó rằng có dạy với số lượng giờ giảng nhất định.
PGS.TS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho biết, có những người không đủ tiêu chuẩn để công nhận GS, PGS nhưng tìm cách xin chứng nhận đủ số giờ giảng, hay "ké" tên trong các công trình nghiên cứu, bài báo của người khác, nhóm khác.
Tôi từng nghe cụm từ "đi nhờ xe" của các giáo viên một số trường đại học mà không hiểu gì. Đến khi được giải thích mới ngớ ra vì đó là cách các trí thức chân chính gọi những người không nghiên cứu gì cả nhưng vẫn xin xỏ, nhờ vả để được đứng tên trong các công trình, các bài báo khoa học, thậm chí, có người còn được "đôn" làm chủ biên một cuốn sách chỉ vì là người đứng đầu cơ quan, còn họ không hề viết một chữ.
Để những người không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách GS, PGS là do cả 2 phía: Trước hết, lỗi trước tiên là của những người không thực tài không đủ tiêu chuẩn, hoặc ở các vị trí quản lý nhà nước không cần các chức danh GS, PGS, nhưng do háo danh nên vẫn "vận động hành lang", chạy chọt để được công nhận. Một phần để cho oai nhưng một phần là để khi thăng tiến có thêm "điểm cộng".
Một nguyên nhân để lọt "bụi" lẫn vào "vàng" còn do những người xét duyệt biết rõ ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lờ đi.
Việc những người không giảng dạy mà vẫn có chứng nhận giảng dạy, lỗi còn ở đơn vị đã cấp chứng nhận này, khi vì nể nang, do người xin chứng nhận là bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là lãnh đạo ở cơ quan quản lý, Bộ chủ quản.
Nhưng, lẽ nào Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ cở lại không biết ứng viên không đi dạy mà vẫn được xác nhận, trong khi chỉ cần một cú điện kiểm tra là có thể biết rõ, mà lại cứ "nhắm mắt" ký rồi chuyển lên Hội đồng cấp trên?
Ở đây, có thể do sự nể nang, cũng có thể do tài năng của các vị trong Hội đồng có vấn đề, do không đủ bản lĩnh để từ chối, hay bởi một "lý do nhạy cảm, khó nói" khác?
PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch còn kể, ông từng biết có người được phong GS, PGS nhưng trình độ tiếng Anh chỉ dạng "bập bẹ".
Một vị giáo viên một trường đại học y cũng không thể quên trường hợp một người được phong PGS trong khi ở một cuộc kiểm tra chuyên ngành bằng tiếng Anh, người này phải cầm giấy đọc chứ không thể trả lời "tay bo" như các thí sinh khác.
Sự háo danh của một số người sẽ được ngăn chặn nếu không có những người có trách nhiệm nể nang (hay vô trách nhiệm) xác nhận cho họ những điều họ không làm, như lãnh đạo các trường xác nhận khống việc giảng dạy; hay kiên quyết không cho "đi nhờ xe", cũng như Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp làm việc thật sự nghiêm túc.
Chức danh GS hay PGS nên dành những người trực tiếp giảng dạy, có cống hiến, có biên chế tại cơ sở giáo dục chứ không nên để những vị làm doanh nghiệp hay công tác quản lý cũng được phong vì hơi…buồn cười.
Bên cạnh đó, học hàm GS hay PGS cũng không nên được công nhận vĩnh viễn, suốt đời. Nếu không cống hiến hay không giảng dạy thì người đó không nên nhận chức danh này!
Trí thức, theo triết gia Edward Said "là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ... công khai nói lên tiếng nói của họ". Mong rằng, các trí thức Việt cũng đầy lòng tự trọng như thế.
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét