Nhu cầu của khách với sản phẩm thêu ngày càng chắt lọc hơn, yêu cầu sự tinh tế, tinh xảo hơn bao giờ hết và nói như nghệ nhân Lê Văn Nguyên, ngày nay tranh thêu chọn khách.
LTS: Tinh hoa của làng nghề truyền thống trong thời đại mới sẽ trở thành cơ hội lập nghiệp cho những người nhìn ra giá trị thật và biết gây dựng, vun vén sản phẩm của cha ông. Những người trẻ tiếp nối giá trị ngàn năm với cách nhìn mới đã giúp các sản phẩm cổ truyền trở nên gần gũi, có giá trị trong đời sống hiện đại.
Chính vì thế, chuyên mục "Khởi nghiệp từ làng nghề, từ quê hương" của Tin tức ra đời với mong muốn tôn vinh, cổ vũ thế hệ trẻ, những con người mang trong mình nhiệt huyết với khát khao đưa làng nghề Việt từng bước đến với thế giới hội nhập hôm nay...
Độc giả muốn cùng Tin tức chia sẻ chân dung, nhân vật, câu chuyện làng nghề truyền thống Việt trong thời đại mới, để cùng lan tỏa những nét đẹp dịp Xuân mới, xin vui lòng gửi thông tin về hòm thư songtre@tintuc.vn
Chúng tôi xin chân thành cám ơn!
***
Người làm nghề, nghề "ăn" vào mình khi nào không biết
Gặp nghệ nhân thêu ren của làng thêu ren thôn Khoái Nội (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) Lê Văn Nguyên những ngày giáp Tết, thấy chú tất bật soạn những sản phẩm thêu ở cửa hàng phục vụ khách.
Nghệ nhân Nguyên dành thời gian ngồi kể cho chúng tôi về nhãn hiệu thêu tập thể của huyện Thường Tín mà chú đang quản lý mang tên Thêu Thường Tín, về những câu chuyện nghề từ thời tổ tiên và cả hôm nay.
Hiện tại, chú Nguyên và vợ là cô Xuân, cũng là con nhà nghề làng thêu ren, đang quản lý một cửa hàng thuê ren ở Hà Nội.
Tâm sự về nghề, chú bồi hồi nhớ lại 17 năm về trước, khi ấy chú Nguyên ở tuổi 30 và quyết định lập nghiệp bằng nghề truyền thống của tổ tiên, gia đình.
8, 9 tuổi biết cầm kim, xâu chỉ để phụ giúp gia đình, hơn 10 tuổi hoàn thiện những bức tranh đơn giản, lớn lên chú làm nhiều công việc khác nhau mưu sinh, kiếm sống nhưng vẫn không quên nghề truyền thống của gia đình.
Ngay từ thời điểm khởi nghiệp lúc bấy giờ, chú Nguyên bắt tay luôn vào việc mở xưởng, tuyển nhân công và mời bà con làng xã đến làm. Liều lĩnh mở xưởng ở thời điểm này, chú thuyết phục gia đình thế chấp 2 căn nhà, trong đó có 1 căn nhà cả gia đình đang ở, được 9 triệu để lo các chi phí hoạt duy trì hoạt động kinh doanh.
Khoảng thời gian đầu, khó khăn chồng chất, đặc biệt là về vốn và vấn đề cân bằng giữa số lượng mặt hàng nhận về từ các đơn vị và lượng nhân công.
"Nếu bảo chưa có khi nào chán nản thì không phải, đã có lúc tôi nghĩ chẳng biết làm cách nào để duy trì xưởng, nhưng với lòng yêu nghề, mong mỏi lưu giữ và phát triển nghề thêu ren, tôi cứ làm, sai thì sửa", người nghệ nhân say nghề kể lại.
Ấy vậy mà 17 năm đã trôi qua, hiện đứng tên thương hiệu riêng của gia đình, quản lý thương hiệu thêu của huyện đến xưởng tại thôn, nhưng chú khiêm tốn nói mình chẳng phải là ông chủ. "Tôi là người điều hành chung thôi, hướng dẫn kĩ thuật, thiết kế mẫu và sắp xếp màu sắc... Với người ít tuổi, mình là "anh cả" trong xưởng thêu, gia đình thêu ấy".
Hành trình 17 năm chính thức phát triển nghề, 10 năm xây dựng thương hiệu thêu Xuân Nguyên, hơn 30 năm có lẻ tiếp nối nghề cha ông, với nghệ nhân Lê Văn Nguyên nghề đã "ăn" vào mình khi nào không biết.
Sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai muốn học, "học phí" vài chục nghìn đồng
Trước khi xây dựng thương hiệu và cửa hàng riêng, vợ chồng chú Nguyên từng nhận thêu thuê từ các cửa hiệu cho đến các sản phẩm thêu ở các địa điểm du lịch. Đi qua không ít thăng trầm của nghề, hơn ai hết nghệ nhân Lê Văn Nguyên hiểu và yêu nghề như cuộc sống của mình, giữ và phát triển nghề là trăn trở thường trực. Năm 2007, chú Nguyên được vinh danh là nghệ nhân thành phố Hà Nội.
Từ năm 2012, làng nghề đã phối hợp cùng Thành đoàn TP. HN tổ chức cuộc thi Tay nghề truyền thống thanh niên do nghệ nhân Lê Văn Nguyên là trưởng ban giám khảo và trực tiếp ra đề.
Chú kể thêm, nhiều người còn xin đến tận cửa hàng chú học nghề. Chú vui bởi hầu hết họ là những người trẻ, như một phụ huynh người Việt kiều dẫn con gái 19 tuổi nói tiếng Việt chưa sõi muốn đến được hướng dẫn nghề thêu để hiểu thêm văn hóa của người Việt. Hiện tại, 2 học trò khác chú trực tiếp dạy nghề là một bé 14 tuổi muốn học để biết và cô bé 19 tuổi đang làm mảng thời trang học để ứng dụng vào sản phẩm của mình.
Chú cũng đứng lớp các lớp học do làng nghề phối hợp với Bộ công thương trong chính sách khuyến công đến một số địa phương đào tạo nhằm mục đích dạy nghề những nơi chưa có nghề, ít nghề và nâng cao tay nghề.
Nhiều người đặt câu hỏi: tại sao lại đi truyền nghề cho "người dưng" nhưng bản thân nghệ nhân Nguyên cho rằng chú làm công việc này với mục đích truyền sự yêu thích nghề, tránh sự mai một một giá trị văn hóa của người Việt. Với con cháu trong làng, chú Nguyên cho rằng, ai cũng phải biết nghề để trước nhất là giữ nghề.
Ngày nay, sản phẩm thêu chọn khách
Ngày nay, khi nhiều sản phẩm tranh giá rẻ được bày bán trên thị trường, khi sản phẩm thêu được ra đời chủ yếu bằng máy móc công nghiệp cũng đặt ra không ít nỗi lo. Chú Nguyên cho biết thêm trong 28 xã, 1 thị trấn tại huyện Thường Tín, với 126 làng nghề với hơn 20 lĩnh vực nghề thì nghề thêu chiếm doanh số không lớn nhưng số lượng lao động vẫn là lớn nhất bởi có nhiều người duy trì nghề như một nghề tay trái những lúc nông nhàn.
Không chỉ thay đổi về nhân lực của nghề, đối tượng khách hàng, xu hướng lựa chọn sản phẩm, mẫu mã đến chất lượng sản phẩm thêu cũng đã thay đổi nhiều qua thời gian.
Với xu hướng lựa chọn sản phẩm, cô Xuân cho rằng, người chơi tranh thêu ren yêu thích sự tinh tế thay vì sao cho có tranh treo trong nhà. Theo cô giải thích, những người tìm đến tranh thêu ren là tìm đến sản phẩm nghệ thuật đẳng cấp nhất của tranh, giá thành cao và hơn hết họ là người có thú chơi sản phẩm thêu ren.
"Nhu cầu khách với tranh thêu ít hơn, số lượng chắt lọc hơn, rõ ràng xu hướng là tranh thêu chọn khách", nghệ nhân Nguyên nói thêm về xu hướng khách hàng hiện nay.
Tỉ dụ, bức tranh thêu Sơn thủy hữu tình có giá hơn 100 triệu đồng, nhưng đây là sản phẩm cầu kì được những người thợ đến nghệ nhân hoàn thành trong khoảng thời gian kéo dài khoảng 6 tháng. Một số bức tranh có trị giá khá lớn trên 50 triệu đồng như bức Đồng quê, Mùa gặt trên quê hương…
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm như yêu cầu của khách, cô Xuân cho biết thêm, để hoàn thiện 1 bức tranh 50-60% là tay nghề thợ trung bình có thể làm được, ở 70-80% là thợ tay nghề giỏi, 20% chi tiết còn lại của tranh chỉ người có nghề lâu năm mới có thể cho ra sản phẩm thêu tinh xảo và có hồn.
Với một sản phẩm tranh thêu, chi tiết khó khăn nhất ở tranh chân dung và con vật là đôi mắt và khuôn mặt, tranh phong cảnh đòi hỏi sự mềm mại của lá cây, ngọn cỏ, dòng nước… Tranh đẹp là sự kết hợp của chi tiết mềm mại và sự phối màu tinh tế.
Đáp ứng nhu cầu da dạng của thị trường, ngoài việc bày bán những sản phẩm tầm trung và cao cấp tại cửa hàng, khách có nhu cầu đặt mẫu xưởng của cô chú đều nhận thuê. Ngoài ra, nghệ nhân cũng phát triển bán sản phẩm thêu của mình thông qua kênh mạng xã hội facebook và website.
Những làng nghề hôm nay đều đặt ra cho mình câu hỏi liệu sẽ ồn tại và phát triển như thế nào giữa thị trường muôn màu vẻ với các sản phẩm "nhanh", "rẻ". Tìm ra được hướng đi mới, nắm bắt nhu cầu thay đổi của khách hàng hay đổi mới trong cách kinh doanh, làm nghề… chắc hẳn làng nghề Việt Nam cũng như sản phẩm của nơi đây và các nghệ nhân vẫn luôn có một chỗ đứng trường tồn trong nền văn hóa xưa và nay.
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét