5 chàng trai dự thi Olympic thiên văn và Vật lí thiên văn đi thăm thú các cảnh quan của Ấn Độ
Đọc sách ngấu nghiến, học thâu đêm suốt sáng
Nhỏ nhắn, khuôn mặt cực kì thông minh, nói năng khúc triết là những gì mà Lê Hồng Long, chàng trai lớp 11 chuyên Lý, trường THPT Amsterdam (Hà Nội) gây ấn tượng mạnh với người đối diện.
Long chia sẻ mình rất có duyên khi tham dự vào đội tuyển vì năm 2016 là năm đầu Việt Nam tham dự kỳ thi vật lý thiên văn quốc tế nhưng lại chưa có thời gian để chuẩn bị trước.
Long nói, khi bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi này, em mới bắt đầu nghiêm túc đọc sách và ôn luyện về mảng thiên văn và vật lý thiên văn. Còn trước đây, em mới chỉ tự tìm tòi được một chút về thiên văn qua lượng sách vở rất hạn chế.
"Tổng số sách bọn em phải học khoảng gần 10 quyển cho phần lý thuyết và xử lý số liệu. Do chỉ có 3 tháng nên em phải sàng lọc những kiến thức cần thiết nhất trong những quyển sách đó. Còn về phần thực hành, có 4 buổi thực hành tại trường ĐH Sư Phạm Hà Nội"- Long chia sẻ.
Long cùng các bạn trong đoàn và các thầy cô hướng dẫn phải ăn, ngủ, thức cùng những chòm sao trong vài tháng trời: "Có những hôm học từ 8h tối đến 6h sáng hôm sau, thức cả đêm học là chuyện thường. Mẹ bọn em vẫn mang cơm hộp lên trường cho ăn tối rồi lại học tiếp"- Long nói.
Tuy nhiên, Long cũng cho biết có nhiều hôm thực sự "thất học": "Phần thi có về quan sát sao. Mà quan sát sao thì phải đợi đúng giờ mới thấy được chòm sao mình muốn thấy. Có hôm trời nhiều mây cộng với việc Hà Nội bị ô nhiễm ánh sáng khá nhiều thì không thấy được sao lại phải về".
Trần Đức Huy, chàng trai Bạc Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn năm 2016 cho biết, khi được giới thiệu về cuộc thi IOAA, em quyết định tham gia thi chọn để thử sức và từ đó em bắt đầu mua một số tài liệu về thiên văn học về để đọc.
Trước khi đến với kỳ thi này, Huy cho biết em đã từng say mê đọc cuốn "Lược sử thời gian" của Stephen Hawking, đây là cuốn sách viết cho đại chúng về một số vấn đề vật lý lý thuyết hiện đại, trong đó có lỗ đen, là một trong những đối tượng nghiên cứu của ngành vật lý thiên văn.
Huy cũng cố gắng tự tìm hiểu một số cuốn sách tiếng Anh đại cương về thiên văn học và vật lý thiên văn: "Em đã đọc 2 cuốn sách rất bổ ích đó là cuốn "Fundamental Astronomy" (Cơ sở thiên văn học) và "An introduction to Modern Astrophysics" (Dẫn nhập về Vật lý thiên văn hiện đại). "Sau cuộc thi này em thấy đây là môn học mới lạ. Thiên văn học là ngành khoa học ra đời từ rất sớm khi con người quan sát các hiện tượng trên bầu trời và cũng là môn khoa học của hiện tại. Nó không tập trung vào phần cụ thể nào mà nó là tổng hợp kiến thức của tất cả các định luật vật lý, hóa học,... từ xưa đến nay. Các bài tập không quá khó nhưng đòi hỏi học sinh phải có trình độ hiểu biết rộng lớn"- Huy chia sẻ.
5 chàng trai Olympic giành giải thiên văn và Vật lí thiên văn
Ăn lương khô, chảy máu mũi và suýt chậm chuyến bay
Lê Hồng Long cho biết, nhiều thí sinh nước ngoài dự thi IAOO đã được tiếp xúc với thiên văn từ sớm nên phần thực hành bọn em yếu hơn các đoàn khác. Phần lý thuyết thì cũng có một số phần chưa hoàn thiện kiến thức. Tuy nhiên khi đi thi thì tâm lý bọn em cũng khá vững nên vẫn tự xoay xở được.
Long cho rằng, trong thời gian ở Ấn Độ, khó khăn nhất mà cả đội gặp phải có lẽ là món ăn ở đây. Các món ăn đều được cho ớt vào và đương nhiên là rất cay. Do không quen nên bọn em cảm thấy rất khó ăn và sau hôm đầu tiên thì bạn Đức Huy đã bị chảy máu mũi do ăn cay nhiều. Tuy nhiên, về sau do phản hồi từ nhiều nước nên đồ ăn đã trở nên bớt cay hơn và bọn em bắt đầu ăn được.
" Một vấn đề khác có lẽ là nhiệt độ. Tuy ban ngày nắng khá mạnh nhưng gió ở đây rất lạnh, đặc biệt là vào sáng sớm. Vì vậy mà một số bạn không ngủ được về sáng, một phần cũng vì lệch múi giờ. Còn khi đi chơi thì khá vui"- Long nhớ lại.
Trần Đức Huy cho rằng, ấn tượng mạnh nhất ở Ấn Độ thì đồ ăn rất là cay, nên em phải uống rất nhiều nước. Những buổi sáng trước khi thi em chỉ dám ăn lương khô mang từ Việt Nam sang vì sợ đồ ăn không hợp sẽ làm ảnh hưởng đến bài thi.
Cũng theo Huy, cậu đã gặp gỡ và giao lưu với nhiều học sinh quốc tế. Đặc điểm chung là các bạn học sinh quốc tế đều rất giỏi và thân thiện. Trong những ngày không phải thi, ban tổ chức đã đưa các đội đi tham quan các di địa điểm nổi tiếng tại địa phương, trong đó có Đền thờ Mặt Trời Konark, nơi có đồng hồ Mặt trời chỉ chính xác đến từng phút và cũng được đưa vào trong logo của cuộc thi IOAA.
Trục trặc duy nhất mà đoàn gặp phải là khi ở sân bay của thành phố New Delhi để chuẩn bị lên chuyến bay đến Bhubaneswar, địa điểm thi, thì vì một số trục trặc khi ký gửi hành lý nên khi ra máy bay thì đoàn đã suýt nữa bị muộn, phải chạy liên tục hơn 1km.
"Rất may mắn là cả đoàn đã lên được máy bay chỉ đúng vài phút trước khi bắt đầu cất cánh"- Huy cười tươi cho biết.
Kỳ thi Olympic quốc tế về thiên văn học và vật lý thiên văn dành cho học sinh trung học được tổ chức để ghi nhận vai trò to lớn của lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn trong đời sống, trong giáo dục thanh thiếu niên và tăng cường giao lưu quốc tế. Lần đầu tiên kỳ thi IOAA được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 11- 2007. Kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn lần thứ 10, tổ chức tại thành phố Bhubaneswar, Ấn Độ từ ngày 10-18/12/2016. Đây là kỳ thi Olympic quan trọng nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn dành cho lứa tuổi THPT, với hơn 50 đội tuyển đến từ các quốc gia trên khắp 5 châu. Các học sinh dự thi phải trải qua bốn bài thi bao gồm: bài thi thực hành (gồm 3 phần: thi quan sát Sao trong nhà chiếu hình, thi bản đồ Sao và thi quan sát bầu trời đêm qua kính thiên văn), bài thi lý thuyết, bài thi xử lý số liệu và bài thi đồng đội. Học sinh làm các bài thi bằng tiếng Anh. Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tham dự với 5 thí sinh đều là học sinh lớp 11 chuyên vật lý của trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam. Học sinh đoạt huy chương bạc là em Trần Đức Huy; 4 thành viên còn lại của đội tuyển đoạt giải khuyến khích là các em: Đỗ Lê Duy, Trần Quang Thành, Nguyễn Tiến Nhân và Lê Hồng Long. |
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét