Một số sinh viên Đại học Harvard, Mỹ cho rằng không nhiều người học ở thư viện đến 4h30 sáng, kể cả vào mùa thi. Phần lớn họ cố gắng học từ đầu, ít khi để "nước đến chân mới nhảy".
Một bài viết được cho là trích từ cuốn sách Harvard 4:30 am - Harvard Universitys Gift to Young People của tác giả Wei Xiuying (Trung Quốc) thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Nhiều người thán phục mức độ chăm chỉ của sinh viên đại học hàng đầu thế giới, nhưng cũng không ít người cảm thấy sợ hãi trước cuộc sống chỉ có học, sách và nghiên cứu tại đây.
Tuy nhiên, một số người cho rằng những gì được viết trong "Harvard 4h30 am" không đúng sự thật.
Sức ép vừa phải
Theo Nguyễn Bích Ngọc, 26 tuổi, sinh viên Harvard Business School, việc học tập ở trường đại học nổi tiếng thế giới không vất vả như cuốn sách miêu tả. Đối với hệ cử nhân, sinh viên học 4 môn mỗi kỳ.
Cả khóa học có 32 môn, trong đó 8 môn cơ sở chung cho tất cả các ngành, khoảng 10 môn chuyên ngành, còn lại 14 môn, sinh viên tự chọn. Hai năm đầu thấy không hợp, nhiều sinh viên vẫn đổi ngành học.
Bích Ngọc cho biết giáo dục ở Mỹ quan niệm trường đại học là nơi sinh viên tự do học tập. Họ có thể học bất cứ điều gì bản thân cảm thấy hứng thú, còn nếu muốn nâng cao chuyên môn thì phải theo cao học.
Chú trọng đào tạo sự toàn diện cho sinh viên ở nhiều lĩnh vực là mục tiêu của trường đại học Mỹ. Không có môn chính, phụ, tất cả các môn như khoa học, nhân văn, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, thể thao... đều học như nhau.
Học ở Harvard (hay các trường đại học Mỹ nói chung), phần lớn sinh viên tham gia các tổ chức hoạt động tình nguyện, dự án phi chính phủ hoặc dự án cá nhân. Vì vậy, sinh viên thường bận rộn.
"Ở trường Kinh doanh, tôi được học các môn Tổ chức, Tài chính, Kế toán, Kỹ năng lãnh đạo, Đạo đức trong kinh doanh… Điểm mỗi môn là 50% kết quả bài thi, 50% từ điểm thảo luận ở lớp. Cuối kỳ, những bạn kém nhất lớp sẽ bị nhà trường nhắc nhở, thậm chí bị tạm đình chỉ nếu học kỳ tiếp theo không tiến bộ", Ngọc nói.
Cũng theo nữ sinh này, điểm đặc biệt của Harvard là luôn dạy sinh viên kỹ năng và kiến thức cơ bản. Tất cả vấn đề đều được đưa về cơ bản, giải thích bằng gốc rễ, muốn nâng cao phải tự tìm hiểu và mang tới hỏi giảng viên.
Những môn bắt buộc phải học là Toán học, Khoa học, Đạo đức, Nghệ thuật. Áp lực sẽ đến nhiều từ chương trình nặng lý thuyết và yêu cầu sinh viên phải có khả năng lãnh đạo, luôn quan sát, phán đoán, không biết trước hôm nay thầy sẽ hỏi, yêu cầu gì.
"Thổi phồng thông tin"
"Cuốn sách này rất vô lý. Tác giả của nó chỉ muốn moi tiền từ những người ngây thơ", Arvin Chang, sinh viên Đại học Harvard, khẳng định trên Quora.
Để phản bác lại những lời miêu tả của Wei Xiuying như "vào 4h sáng, thư viện Harvard sáng bừng ánh đèn", "không có tiếng nói chuyện trong nhà ăn", "hiếm thấy sinh viên nào chỉ ăn mà không đọc sách"…, Arvin cung cấp hình ảnh được chụp tại nhà ăn.
Theo đó, một số người tranh thủ đọc sách, học bài trong khi ăn. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên Harvard coi đây là thời gian để thư giãn. Họ thoải mái trò chuyện, chụp ảnh cùng bạn bè.
Về cơ bản, Đại học Harvard không khác những trường danh tiếng như Yale, Princeton hay MIT. Sinh viên học tập chăm chỉ nhưng không phải chỉ biết mỗi sách vở.
Trong phần giải đáp thắc mắc đăng trên trang web của trường, Halie Olson, sinh viên năm cuối ngành Sinh học Thần kinh, cho biết thông thường, sinh viên Harvard học trên lớp từ 14 đến 20 tiếng mỗi tuần. Ngoài ra, nhằm đảm bảo theo kịp chương trình, họ phải gặp giáo viên hướng dẫn để được tư vấn cẩn thận trước khi đăng ký khóa học.
Halie cho biết thêm Đại học Harvard dành hẳn một tuần để sinh viên chuẩn bị cho thi cuối kỳ. Khoảng thời gian này, sinh viên học nhiều hơn bình thường nhưng không đến mức thức đến 4h sáng hay có mặt tại thư viện từ lúc đó để học bài.
Trong bài Những hiểu nhầm và sự thật về Harvard được đăng trên trang web trường này, người viết nêu rõ cách nghĩ áp lực học tập tại đây rất khủng khiếp hoàn toàn sai lệch.
Thực tế, 98% sinh viên Harvard tốt nghiệp, số người bị đuổi học rất thấp. Vì thế, con số 20% sinh viên bị đào thải mà Wei Xiuying nêu trong sách bị cho là sai sự thật.
Ngoài ra, cuốn sách của tác giả người Trung Quốc dựng lên hình ảnh sinh viên Harvard chỉ biết vùi đầu vào đọc sách, nghiên cứu. Trong khi đó, trường có đến 21 đội thể thao của nam sinh và 20 đội nữ sinh, chưa kể mỗi ký túc xá có nhiều nhóm, câu lạc bộ.
Đội bóng đá, bóng chày, bơi lội, quần vợt của Harvard từng nhiều lần giành chức vô địch quốc gia.
William Cheng, một sinh viên khác tại Harvard, cũng chỉ ra điểm vô lý trong cuốn sách của Wei Xiuying. Thư viện duy nhất ở trường này mở cửa lúc 4h30 sáng là Lamont.
Trong những ngày gần kỳ thi, một số người thức xuyên đêm học bài tại thư viện này nhưng đó chỉ là số ít. Phần lớn sinh viên Harvard cố gắng học từ đầu, ít khi để "nước đến chân mới nhảy".
Nam sinh khẳng định bức ảnh sinh viên học thâu đêm trong thư viện mà dân mạng Trung Quốc lan truyền không phải chụp tại Harvard.
"Có vẻ một số phụ huynh Trung Quốc chia sẻ nó để ép con họ học nhiều hơn. Những người này thường phóng đại thông tin về Harvard, biến đây thành ngôi trường của những xác sống biết học", William nhận xét.
Teresa Hlsao, cựu sinh viên đại học hàng đầu thế giới, kể lại quãng thời gian cô học tại đây trên Huffington Post. Theo đó, chỉ sau hai tuần theo học, cô đã thay đổi cách nhìn về Harvard.
Teresa thừa nhận đây là nơi quy tụ những người thông minh, đạt thành tích cao trong học tập, nhưng họ hoàn toàn không phải mọt sách.
Nữ sinh khẳng định Harvard chưa bao giờ thiếu các câu chuyện đùa nghịch. Là nơi học tập của thanh niên tuổi đôi mươi, nó được bao trùm bởi bầu không khí trẻ trung, với những vụ bàn luận sôi nổi về một trận cầu, những dự tính cho tương lai.
Trước những thông tin bị cho là sai lệch, tưởng tượng quá đà về cuộc sống tại Harvard, một sinh viên đã kể lại lịch trình một ngày của mình trên trang web trường.
Theo đó, cô thức dậy lúc 9h09, ăn sáng, lên lớp, tranh thủ tập thể dục, ăn trưa rồi lại lên lớp. Cuối ngày, cô ăn tối cùng bạn bè trước khi trở về phòng làm bài tập và đi ngủ vào khoảng 0h30.
Lịch trình của sinh viên ngành Y bận rộn hơn chút nhưng thông thường, họ thức dậy lúc 5h20, đi ngủ lúc 23h và hoàn toàn có đủ thời gian để ăn uống, giao lưu bạn bè mà không cần phải tranh thủ đọc sách hay làm bài tập.
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét