Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Gặp nghệ nhân trẻ nhất đất Xuân La và quyết định 'pro': Đưa TÒ HE lên... giảng đường đại học

Với nhiều người, tò he luôn gắn với những góc phố, công viên hay chốn sân đình mỗi dịp lễ hội... Nhưng ít ai biết, có một nghệ nhân trẻ đã âm thầm đưa sắc màu quê hương ấy lên những trang giáo án...

LTS: Tinh hoa của làng nghề truyền thống trong thời đại mới sẽ trở thành cơ hội lập nghiệp cho những người nhìn ra giá trị thật và biết gây dựng, vun vén sản phẩm của cha ông. Những người trẻ tiếp nối giá trị ngàn năm với cách nhìn mới đã giúp các sản phẩm cổ truyền trở nên gần gũi, có giá trị trong đời sống hiện đại.

Chính vì thế, chuyên mục "Khởi nghiệp từ làng nghề, từ quê hương" của Tin tức ra đời với mong muốn tôn vinh, cổ vũ thế hệ trẻ, những con người mang trong mình nhiệt huyết với khát khao đưa làng nghề Việt từng bước đến với thế giới hội nhập hôm nay...

Độc giả muốn cùng Tin tức chia sẻ chân dung, nhân vật, câu chuyện làng nghề truyền thống Việt trong thời đại mới, để cùng lan tỏa những nét đẹp dịp Xuân mới, xin vui lòng gửi thông tin về hòm thư songtre@tintuc.vn

Chúng tôi xin chân thành cám ơn!

***

Nghỉ việc Nhà nước, về làng nặn tò he và tiên phong đưa tò he vào học đường

Với nhiều người, tò he là hình ảnh những nhân vật bước ra từ những câu chuyện dân gian chảy cùng miền kí ức tuổi thơ, là những món đồ chơi quê nhà giản dị trong những lần đến công viên Bách Thảo, Bách Thú cùng bố mẹ... May mắn thay, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng hơn 30 km về phía Đông Bắc có một ngôi làng mang tên Xuân La vẫn lặng lẽ gìn giữ và tiếp tục phát huy vẻ đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc này. 

1 Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành biểu diễn nặn 1 tác phẩm tò he nghệ thuật. Ảnh: Ngọc Thắng

Mang đến nhiều đóng góp cho làng nghề là nghệ nhân Nguyễn Văn Thành, một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của ngôi làng tò he nức tiếng Xuân La (huyện Phú Xuyên). 

Được truyền nghề từ khi 3 tuổi, anh đã có tình yêu sâu sắc với với môn nghệ thuật này. Sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Hà Nội, anh có 5 năm tham gia công tác xã hội tại Đoàn thanh niên. Tiếp tục niềm đam mê với các sản phẩm nghệ thuật, anh chuyển công tác cho một công ty xuất khẩu đồ chơi, phụ trách về mảng kĩ thuật, tạo mẫu.

Năm 2009, bước ngoặt "trở về làng" đã thay đổi cuộc đời của chàng thanh niên trẻ tuổi Văn Thành lúc bấy giờ. Anh được bầu làm chủ nhiệm làng nghề, thời điểm đó anh kêu gọi 54 hội viên tham gia và đến hiện tại, CLB đã phát triển thành 120 hội viên.

Nỗi lo mai một nghề của cha ông, tổ tiên thôi thúc anh bắt tay tham gia các phong trào, hoạt động nghề như mở các cuộc thi, sân chơi lặn tò he dành cho trẻ em địa phương. 

2. Hình tượng "chim phượng hoàng đậu trên đài sen" đã giúp anh đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi. Ảnh: Ngọc Thắng

Cũng bởi trăn trở trong việc đưa hình ảnh tò he đến với những người trẻ và môi trường chuyên nghiệp hơn, anh là người tiên phong đưa việc dạy nặn tò he vào chương trình ngoại khóa tại các trường từ mầm non đến ĐH bắt đầu từ năm 2011. Nhiều người vẫn đùa anh Thành là thầy giáo đứng lớp từ cấp mầm non đến trên giảng đường.

"Có khi tôi dạy 1 ngày đến 4-5 ca, từ sáng đến đêm ở nhiều lớp khác nhau. Công việc bận rộn nhưng việc đưa hình ảnh của tò he và làng nghề đến nhiều người, tới những nền văn hóa khác nhau của các nước trên thế giới cũng luôn là mong mỏi của tôi", nghệ nhân Thành chia sẻ.

Anh bồi hồi nhớ về những ngày đầu tiên soạn giáo án, chuẩn bị đất nặn, đồ nghề... đến những CLB Bồi dưỡng Văn hóa Trí Đức của cô giáo Đặng Nguyệt Anh. Với tâm niệm giúp người trẻ tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, anh hân hoan đem hết tâm huyết của mình để truyền dạy cho các lớp học. Nhìn bàn tay nhỏ xíu của những đứa trẻ cho đến những sinh viên trên giảng đường nhào nặn bột, tỉ mần tạo từng mảng màu, mảnh hình dù chậm chạp, chưa khéo léo nhưng đó là cả niềm hạnh phúc của người nghệ nhân mong mỏi lưu giữ và phát triển giá trị xa xưa đem đến đời nay.

Sau này, số lượng và quy mô các lớp học ngày càng tăng lên. Một số trường anh tham gia giảng dạy như trường mầm non Hoa Hồng, Nàng Tiên Cá, Dream House… hay giảng dạy cho sinh viên khoa Mầm non ĐH SPHN, sinh viên quốc tế của Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội)… 

Nghệ nhân Thành cũng bật mí thêm, với các lớp dạy anh hướng dẫn mẫu mã sản phẩm khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi và thời gian đứng lớp. Gần dịp Giáng sinh học trò nào cũng muốn nặn ông già Noel, dịp gần Tết lại rất hào hứng nặn sao cho đủ bộ 12 con giáp...

"Các lớp nhỏ tuổi, tôi dạy các em thực hành trên sản phẩm, ở các lớp lớn hơn như ĐH, CĐ sẽ chuẩn bị giáo án dạy khá bài bản từ quá trình hình thành và phát triển làng nghề tò he, nguyên liệu và cách pha màu, sau đó trình diễn, hướng dẫn và cuối cùng để các em trải nghiệm để tạo ra sản phầm của mình"- thầy giáo Thành bật mí thêm. 

Nghệ nhân ưu tú làng nghề Việt Nam đưa tò he "xuất ngoại" 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành là chủ nhiệm Chi hội di sản văn hóa câu lạc bộ làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất Việt Nam. Là người "giữ lửa" nghề tò he và có thành tích xuất sắc, anh được UBND Thành phố Hà Nội phong tặng Nghệ nhân Hà Nội tò he vào năm 2014.

3 Nhiều sản phẳm tò he được anh tỉ mỉ nặn vô cùng đẹp mắt. Ảnh: Ngọc Thắng

Lần đầu tiên, nghệ nhân này đem tò he tranh tài với các nghệ nhân cả nước tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc (2009-2014) với hơn 500 bộ sản phẩm khác nhau ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Và tò he vinh dự được chọn là 1 trong 5 sản phẩm xuất sắc với bộ sản phẩm "Âm thanh tò he 12 con giáp" do anh sáng tạo.

Với công lao cống hiến nhiều năm trong nghề kết hợp tham gia nhiều cuộc thi đạt nhiều thành tích cao, là người tâm huyết truyền bá, giảng dạy ở nhiều trường ở Việt Nam, năm 2015, anh được Nhà Nước tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú Việt Nam.

4 Hình mẫu tò he được ra đời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành còn là 1 trong 3 nghệ nhân của làng nghề và là nghệ nhân trẻ nhất đưa tò he "xuất ngoại".

Năm 2012, anh nhận lời mời của Bộ Văn Hóa và trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tham gia chương trình giao lưu nhân dân các nước ASEAN tại Thái Lan và Trung Quốc. 

5Anh Thành và con trai Đức Trọng- người sẽ tiếp nối nghề truyền thống nặn tò he của gia đình nghệ nhân. Ảnh: Ngọc Thắng

Năm 2015, anh tiếp tục được tham gia trình diễn nặn tò he tại sự kiện Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng chiêu đãi Ban Lãnh Đạo, Ban Chấp hành IPU và khách mời nhân dịp Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện thế giới lần thứ 132, tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Hiện tại anh còn tham gia giảng dạy 2 lớp dạy nặn tò he tại nhà của các bé, đặc biệt là các lớp dạy nghệ thuật cho trẻ em quốc tế trong các chương trình văn hóa khi kết hợp với Việt Nam.

Công việc dù bận rộn nhưng mỗi tối thứ 6 và hai ngày cuối tuần, anh đều có mặt tại phố đi bộ Hà Nội để trưng bày, biểu diễn và đem những sản phẩm tò he đến với nhiều người hơn. Chỉ cần chiếc bàn nhỏ cũng đủ không gian để các nghệ nhân có thể thỏa sức sáng tạo và trình diễn các tác phẩm của mình.

Trong không khí nhộn nhịp của phố đi bộ vẫn có một góc tĩnh lặng, là góc của những con tò he, góc của văn hóa truyền thống mà ai cũng trân quý...

Let's block ads! (Why?)



Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét