Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Đề thi và đáp án tham khảo môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2019

Ngữ văn là môn thi đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trước khi làm bài thi chính thức vào sáng mai (25/6), các thí sinh có thể thử sức với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Đề thi và đáp án tham khảo môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2019 1Đề thi tham khảo năm nay không có bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc. Khuôn mẫu này được duy trì từ năm 2017 đến nay.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng theo ngưỡng vừa cơ bản để đạt mục đích xét tốt nghiệp, đồng thời sẽ có độ phân hóa phù hợp để xét tuyển đại học, cao đẳng. Độ phân hóa của đề thi nằm chủ yếu ở lớp 12.

Đáp án chi tiết đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2019 môn Ngữ văn học sinh tham khảo:

PHẦN I – Đọc hiểu

Câu 1. Tác hại của việc không dám từ bỏ lối sống quen thuộc:

Nếu không dám từ bỏ lối sống quen thuộc, con người sẽ:

+Luôn bị hạn chế theo tính khuôn mẫu, tính an toàn, những điều khiến con người không còn tin tưởng vào các giá trị khác.

+Mọi mối quan hệ đều không còn ý nghĩa.

+ Sống mãi một cuộc sống trì trệ, không bao giờ thay đổi và khong bao giờ phát triển.

Thay đổi gắn liền với sự phát triển, không thay đổi không bao giờ phát triển, nếu không phát triển thì không phải cuộc sống.

Câu 2. Theo tôi, điều ngược lại trong đoạn trích là sự trì trệ, cố chấp, không dám bứt phá, sống trong vùng an toàn, sự thụt lùi....

Câu 3. Việc tác giả trích dẫn ý kiến của nhà văn Gail Sheehy nhằm:

+ Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dám thay đổi, dám từ bỏ vùng an toàn, thoát khỏi khuôn mẫu để khẳng định phát triển bản thân của mỗi người.

+Truyền thông điệp quan trọng tới độc giả: Hãy dám bứt phá, dám hành động, dám thoát ra khỏi vùng an toàn để có được một cuộc đời ý nghĩa thực sự.

Câu 4. HS có thể đưa ra quan điểm của cá nhân: Đồng ý hoặc không, nhưng phải giải thích rõ vì sao.
Gợi ý:

Việc từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc để phát triển không hoàn toàn đồng nghĩa với việc sự liều lĩnh, mạo hiểm vì:

+ Từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc để phát triển là sự dũng cảm dám nhìn nhận mặt hạn chế, chưa tốt, chưa hoàn thiện để thay đổi vươn tới cái tốt đẹp hơn, hoàn thiện bản thân hơn từng ngày.

+Từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc để phát triển đòi hỏi một quá trình bản thân con người tự nhìn nhận, tự cải thiện, thay đổi từ từ, không nhanh, không gấp, phải thấu đáo, chỉn chu, kĩ lưỡng trước khi hành động để tốt hơn.

Còn mạo hiểm, liều lĩnh là làm một việc biết là nguy hiểm, có thể mang lại hậu quả rất tai hại mà vẫn làm. Như vậy, có thể khẳng định việc từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc để phát triển không đồng nghĩa với liều lĩnh, mạo hiểm.

Đề thi và đáp án tham khảo môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2019 2

PHẦN II – Làm văn

Câu 1. Để thành công thì thay đổi là một trong những yếu tố cần thiết trong cuộc sống. Mỗi người khi bàn về điều này sẽ có quan niệm khác nhau, hiểu nôm na thì nó là sự biến đổi khác biệt so với trước đó. Có thể thấy, chất cuốc sống là sự thay đổi, nó diễn ra không chỉ trong hành động mà còn trong cả suy nghĩ.

Cho nên, mỗi quyết định nào đó đều có thể làm nên sự khác biệt trong cuộc đời của một người. Khi mang trong mình tâm thế đối diện và sẵn sàng thay đổi sẽ giúp giúp cuộc sống con người có được nhiều phương tiện sống tốt hơn, nhiều cách làm hiệu quả hơn, nhiều ước mơ đạt được và sống ý nghĩa hơn.

Có lẽ, nếu không nhờ sự thay đổi từng ngày thì Chủ tịch tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng không thể có được thành công như ngày hôm nay - trở thành tỉ phú đô la nhờ bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina, sau đó đầu tư bất động sản ở Việt Nam. Hiện tại đã triển khai dự án sản xuất ô tô tại Việt Nam và nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế. Chắc chắn rằng, mỗi sự thay đổi đều không dễ dàng gì nhưng rõ ràng thay đổi sẽ giúp cuộc đời ý nghĩa hơn.

Tuy vậy, đáng buồn là hiện nay không phải ai cũng có tư duy thay đổi cho nên cuộc sống của họ không hề được cải thiện gì thêm, sống trong một vòng lẩn quẩn, mặc cho dòng đời đưa đẩy, họ cam chịu trong kiếp người khốn khổ.

Nói tóm lại, tất cả chúng ta đặc biệt là thế hệ trẻ và cả bản thân tôi nữa cần nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có những thay đổi phù hợp và tích cực nhất. "Bạn không thể mong đạt được những mục tiêu mới hay vượt qua hoàn cảnh hiện tại nếu bạn không thay đổi.", Les Brown.

Câu 2. Bài làm
I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+Kim Lân là cây bút chuyên viết Truyện ngắn, ông am hiểu sâu sắc đời sống của người nông dân và thường tập trung viết về họ.

+Vợ nhặt là một trong số những truyện ngắn đặc sắc viết về người nông dân của ông.

+ Nêu vấn đề nghị luận: Sự thay đổi của nhân vật Thị trong hai lần tác giả miêu tả cung cách ăn uống.

II. Thân bài

1. Tổng quan kiến thức: Nêu khái quát tác giả, tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, bối cảnh truyện, ý nghĩa nhan đề,…

2. Lai lịch, ngoại hình

+Không có quê hương gia đình: có thể thấy nạn đói năm 1945 đã khiến biết bao con người bị dứt khỏi quê hương, gia đình, tên tuổi cũng không có và qua tên gọi "vợ nhặt": thấy được sự rẻ rúng của con người trong cảnh đói.

+Ngoại hình: quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt.

- Bình luận: Cái đói khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà cả nhân cách con người. Người đọc vẫn cảm thông sâu sắc với thị vì đó không phải là bản chất mà do cái đói xô đẩy.

3. Sự thay đổi của nhân vật Thị trong hai lần tác giả miêu tả cung cách ăn uống.

3.1. Thị - qua cung cách ăn uống lần 1

+ Thị là người đanh đá, táo bạo tới mức trở nên trơ trẽn. (Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc (Muốn ăn cơm trắng mấy giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì), thị đã cong cớn bám lấy rồi vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.)

+Gặp lần thứ hai, khi Tràng vừa trả hàng xong, thị đâu xầm xầm chạy đến. Thị đứng trước mặt mà sưng sỉa nói: Điêu! Người thế mà điêu! Khi thấy anh Tràng có vẻ dễ bắt chuyện, thị tiếp tục cong cớn. Thấy có miếng ăn, hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên rồi thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chạp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng mà thở.

Bình luận: Phải chăng đấy là tính cách vốn có của người đàn bà này? Nhưng thực chất Thị đang hành động hoàn toàn theo bản năng của mình. Thị làm tất cả chỉ để được ăn, được sống, được tồn tại qua nạn đói khủng khiếp. Điều này càng chứng tỏ Thị là một người có khát vọng sống mãnh liệt.

3.2. Thị - Qua cung cách ăn uống lần 2 (sau khi làm vợ Tràng)

- Khi đã chấp nhận làm vợ Tràng:

+ Trên con đuờng trở về nhà của Tràng, thị thay đổi hẳn. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Thị bắt đầu ý thức về thân phận mình, là người vợ theo không.

+ Sáng hôm sau, thị đã trở thành người vợ đảm đang. Cùng với bà cụ Tứ, thị thức dậy sớm, lo dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sạch sẽ. Bữa cơm nghèo buổi sáng hôm ấy, thị cũng như bà cụ Tứ và anh Tràng đều thấy một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mình khi phải cố nuốt những miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Song, thị cũng như hai mẹ con Tràng, đều cố tránh nhìn mặt nhau, đều không muốn làm người khác phải buồn đau hơn.

Bình luận sự thay đổi: Điều này cho thấy sự ý nhị, tinh tế trước thái độ ứng xử đầy nhân bản của Thị. Sự đanh đá, trở trẽn trước kia ở Thị chẳng qua là do đói khát mà ra. Khi được sống trong tình thương, trong mái ấm gia đình, người đàn bà ấy đã sống với bản chất tốt đẹp của mình, của một người Phụ nữ Việt Nam. Cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.

4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Kim Lân đã khắc hoạ nhân vật người phụ nữ rất điêu luyện.

- Tác giả lại chú trọng khắc hoạ hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật để người đọc tự hiểu tâm trạng của người phụ nữ.

5. Bình luận – Mở rộng về sự thay đổi

- Vợ Tràng tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ trong nạn đói 1945: nghèo đói, bị rẻ rúng.

- Khi người đàn bà ấy may mắn được sống trong tình người, trong mái ấm gia đình mặc dù cuộc sống còn nhiều đe doạ của sự đói khát, thì những phẩm chất tốt đẹp đã sống lại.

- Nhân vật người vợ nhặt được Kim Lân đặt vào tình huống hết sức độc đáo, từ đó nhân vật bộc lộ tâm trạng, cách hành xử của bản thân. Nhân vật được tập trung khắc khọa ở cử chỉ, hành động qua đó làm bật lên vẻ đẹp của người vợ nhật.

III. Kết luận:- Xây dựng nhân vật vợ Tràng, nhà văn đã gián tiếp tố cáo một xã hội đẫ đẩy con người đến sự rẻ rúng, tha hoá về nhân phẩm chẳng qua vì sự đói khát. Thế nhưng, trong cảnh ngộ của mình bi đát, con người vẫn luôn vươn tới sự sống, hướng tới tương lai và ở một hoàn cảnh nhân đạo hơn, phẩm giá con người đã sống dậy mà sự thay đổi của Thị là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Đáp án tham khảo trên là của giáo viên Diệu Thu Giáo viên trường THPT Trần Quang Khải (Hoàng Mai, Hà Nội). Cô từng đạt Huy chương Bạc cuộc thi Nghiệp vụ Sư phạm toàn quốc mở rộng lần V - 2013. Tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn; Học viên xuất sắc lớp Thạc sĩ - Lý luận và Phương pháp giảng dạy Ngữ văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Let's block ads! (Why?)



Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét