Đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc không ghi loại hình đào tạo khiến nhiều người lo lắng chất lượng chính quy – tại chức bị "đánh đồng". Ảnh minh họa: Q.Anh
Học tại chức bằng như chính quy?
Không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng đại học cũng không phải là chuyện mới mẻ, bởi nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã áp dụng hình thức này. Tiêu biểu như ở Đức, sinh viên tốt nghiệp đại học là được cấp văn bằng công nhận đã hoàn thành học đại học, không có sự phân biệt giữa các loại hình đào tạo được ghi trên văn bằng. Việc Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ ghi hình thức đào tạo trên các văn bằng đại học cũng là chủ trương được nghiên cứu từ trước đây, nhất là quy định công nhận bằng dân lập hay công lập đều có giá trị như nhau. Ở nhiều nơi, xét tuyển lao động, công chức cũng đều coi hai loại văn bằng này bằng nhau.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT với đề xuất không ghi loại hình đào tạo trên văn bằng khiến dư luận đặc biệt quan tâm, bởi với nhiều người, đề xuất này vô tình tạo ra kiểu đánh giá "vàng thau lẫn lộn" như sắp tới sẽ có không ít người vui mừng vì chỉ cần học hệ tại chức là có thể "ngang tầm" với hệ đào tạo chính quy, tập trung. Cũng không ít người quan niệm, giữa chính quy và tại chức vẫn là một khoảng cách khá xa, đặc biệt là ở chuẩn đầu vào. Vậy có nên phân biệt chính quy hay tại chức, điều này có ý nghĩa khá quan trọng với chất lượng nguồn lao động nhất là với những người đang theo học, việc đỗ và có tấm bằng tại chức khá dễ dàng so với bằng chính quy phải "thi đấu" giữa hàng vạn thí sinh với nhau.
Tỏ ra lo lắng với tấm bằng của mình, nhất là có thể lúc ra trường cũng chỉ được xem ngang như bằng tại chức. Sinh viên Nguyễn Minh Hạnh (năm thứ 2, ĐH Ngoại Thương Hà Nội) chia sẻ: "Để đỗ được vào Trường ĐH Ngoại thương, em phải nỗ lực rất nhiều, trải qua kỳ xét tuyển khá mệt mọi, tranh đua với hàng vạn thí sinh khác cũng nộp hồ sơ vào trường. Quá trình học cũng phải rất cố gắng mới theo kịp, để có tấm bằng khá cũng phải rất vất vả. Trong khi một số bạn em học hệ tại chức ở một số trường đại học khác, điểm đầu vào cũng khá dễ mà quá trình học cũng khá xuề xòa, học như chơi mà điểm thi môn cũng rất cao".
Lo ngại khả năng người học đổ xô đi học tại chức cho dễ trúng, dễ học và dễ được bằng khá, giỏi, ông Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn chia sẻ: "Nếu bây giờ, Bộ GD&ĐT không phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng, người ta tìm cách học tại chức sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo. Trong điều kiện hiện nay, trên văn bằng nên ghi: Bằng ĐH chính quy tập trung, Bằng ĐH vừa làm vừa học. Nếu thực hiện, Bộ cần tính toán thời điểm cho hợp lý, bởi khoảng 10 -15 năm nữa, khi thị trường lao động phát triển thì không cần phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng".
Vẫn tồn tại cách phân biệt đào tạo
Dù đồng tình với việc đề xuất Luật Giáo dục ĐH sửa đổi phải hướng đến tương lai, có cách nhìn xa hơn, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục vẫn lo ngại và cho rằng lộ trình cần được xây dựng một cách cụ thể. Thực tế, khoảng cách để thực hiện giá trị của bằng tại chức và chính quy vẫn còn lớn. Cách tổ chức và kiểm tra đánh giá của hình thức đào tạo của ĐH chính quy và vừa làm vừa học còn vênh nhau. Do tính chất khác nhau nên ở hệ tại chức đã được rút ngắn thời gian, khối lượng của môn đào tạo. Dù cơ bản được đào tạo số đơn vị học trình (tín chỉ) là gần như tương đương, nhưng khi triển khai có những nét khác nhau và nếu so sánh thì hệ chính quy vẫn đào tạo sâu hơn.
Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Bộ GD&ĐT cần có lộ trình thực hiện với quy định mới này. Còn về phía các trường, để đào tạo tại chức có chất lượng, cần phải kiểm soát chuẩn đầu vào giống như chính quy. Đặc biệt, nhà trường thực hiện cùng một hệ thống đánh giá giữa hai hình thức đào tạo. Để làm được điều này, các trường phải làm một loạt yêu cầu về hệ thống đảm bảo chất lượng như: Kiểm định chương trình, kiểm định trường... Áp dụng đồng nhất hệ thống kiểm tra đánh giá. Làm tốt được điều này, lúc đó xã hội mới không nghi ngờ về "độ vênh" giữa hai hình thức đào tạo".
Mới đây, tại buổi gặp mặt, thông tin với báo chí của Bộ GD&ĐT được tổ chức vào cuối tháng 11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH nữa. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy.
Trước những lo ngại liên quan tới những tiêu cực có thể phát sinh khi văn bằng không còn phân biệt các hình thức đào tạo chính quy và tại chức như trước, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, khi áp dụng cách ghi bằng đại học mới, về phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm kiểm định chất lượng. Sắp tới kiểm định chương trình đào tạo sẽ được sẽ được đẩy mạnh. Kiểm định chương trình sẽ gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và cấp bằng cho chương trình đó. Các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo, vì đó là uy tín nhà trường trong việc cấp bằng, khẳng định thương hiệu để thu hút người học.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, cả hai hình thức đào tạo chính quy và tại chức đều có cùng chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra. Do đó, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng, đồng nghĩa sẽ không phân biệt được bằng chính quy hay tại chức. Cách gọi chính quy hay tại chức cũng sẽ bị xóa bỏ, thay vào đó sẽ được chuyển thành đào tạo tập trung và không tập trung và được quy định rõ trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học bổ sung. |
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét