Thí sinh vẫn còn cơ hội trúng tuyển đại học ở đợt xét tuyển bổ sung. Ảnh: Q.Anh
Lọc "ảo" 6 lần trước khi công bố điểm chuẩn
Tính tới thời điểm hiện tại, công tác "lọc ảo" của Bộ GD&ĐT đối với các thí sinh dùng kết quả thi THPT Quốc gia tham gia xét tuyển ĐH, CĐ ở đợt I đang được tiến hành. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, vừa qua trên phạm vi cả nước có gần 100.000 thí sinh điều chỉnh lại nguyện vọng của mình, như vậy cứ 5 thí sinh có 1 em thay đổi nguyện vọng so với đăng ký ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do điểm thi năm nay khá cao, nhiều trường đại học tăng điểm chuẩn cao hơn so với năm trước nên thí sinh thay đổi nguyện vọng để dễ trúng tuyển.
Theo Bộ GD&ĐT, có một nguyên nhân khác nữa là thí sinh thay đổi nguyện vọng để vào các trường yêu thích và phù hợp với số điểm của mình. Điểm mới của kỳ tuyển sinh năm nay, cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đã tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh và nhà trường. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thông tin: "Trong 3 ngày kể từ khi kết thúc hạn đăng ký thay đổi nguyện vọng, Bộ sẽ tiến hành lọc "ảo" 6 lần. Mỗi lần lọc ảo, dữ liệu sẽ được gửi lại cho các trường để các trường điều chỉnh. Sau lần cuối cùng, các trường sẽ có được điểm chuẩn chính xác nhất để công bố".
Ngoài ra, đối với các trường xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh riêng như: Xét tuyển học sinh tham gia tuần cuộc thi Olympia (ĐH Kinh tế Quốc dân), đánh giá năng lực (ĐH Luật TPHCM)… đều phải công bố danh sách trúng tuyển và danh sách thí sinh đã đến xác nhận nhập học trước ngày 25/7. Đối với các trường khối công an, quân đội, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng gửi danh sách thí sinh trúng tuyển về Bộ trước ngày 28/7.
Sau khi kết thúc xét tuyển đợt I, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau 13/8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng. Trường hợp thí sinh chưa đăng ký xét tuyển, chưa đánh dấu vào mục "sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ" không được tham gia xét tuyển đại học đợt I, nhưng vẫn có thể tham gia xét tuyển ở đợt bổ sung. Ngoài ra, các thí sinh vẫn có cơ hội vào đại học xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở THPT.
Nhiều trường hợp nhầm, lẫn lộn thông tin
Trong khi Bộ GD&ĐT đang chạy phần mềm lọc thí sinh "ảo", đối với các thí sinh tham gia xét tuyển năm nay, dù không mất nhiều công sức đi lại mà chủ yếu theo hình thức trực tuyến, song đã bộc lộ rất nhiều bất cập, khiến các thí sinh lúng túng, thiếu thông tin dẫn đến sai sót, nhầm lẫn trong đăng ký. Những sai sót này ảnh hưởng nhiều đến kết quả của thí sinh. Theo chia sẻ của một số trường đại học tại Hà Nội, lỗi thí sinh hay mắc nhất là việc đăng ký thay đổi nguyện vọng do nhầm lẫn giữa điểm nhận hồ sơ với điểm chuẩn, nhiều thí sinh có khả năng trượt nguyện vọng 1 do không biết lượng sức.
Bên cạnh đó, việc xét tuyển mỗi trường một phương thức, đề án tuyển sinh riêng khiến các thí sinh có phần "bấn loạn", rất nhiều thí sinh đăng ký nhầm lẫn vào các trường mà không đúng đối tượng. Cụ thể, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã thông báo cho gần 3.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường nhưng chưa có điểm năng khiếu. Những thí sinh không thi môn năng khiếu sẽ không đủ điều kiện xét tuyển vào các ngành có môn năng khiếu. Thống kê của khối trường quân đội cho thấy, có hơn 5.000 thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển mà chưa qua sơ tuyển. Những trường hợp này dù điểm cao vẫn không được xét tuyển vào các trường quân đội.
Lưu ý tới các thí sinh sau khi biết điểm chuẩn, TS.Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Từ ngày 1-7/8, các trường ĐH, CĐ sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của thí sinh. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận trúng tuyển về trường đại học trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc bằng thư chuyển phát nhanh đường bưu điện)".
Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, theo lịch nhập học của trường thí sinh sẽ đến trường nộp các giấy tờ (học bạ, giấy chứng nhận ưu tiên…) để làm thủ tục nhập học. Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học. Những thí sinh đến trường nhập học chậm sau 15 ngày trở lên kể từ ngày nhập học ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển nếu không có lý do chính đáng thì coi như bỏ học.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học sau khi tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học ở đợt I, cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, sẽ quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung. Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ thông báo điều kiện xét tuyển nhưng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 theo dõi kết quả các đợt xét tuyển bổ sung tại các trường đã đăng ký nguyện vọng. |
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét