Trong khi nhiều học sinh đang học thêm bên ngoài lúng túng trong việc quay lại học tại trường, không ít giáo viên cũng bị động trong việc bồi dưỡng kiến thức cho những em cuối cấp.
Văn phòng Thành ủy TP.HCM vừa ra thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học trò. Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định.
Trước đó, TP.HCM thừa nhận vội vã trong việc cấm dạy, học thêm trong nhà trường.
Một số giáo viên ở TP.HCM cho biết khi nhận được công văn cấm dạy thêm, họ đã chuyển đổi việc học phụ đạo thành học trái buổi.
"Mọi quyết định cứ thay đổi trong khi chương trình học không thể ngắt đoạn, nhất là với học sinh năm nay thi chuyển cấp hoặc đại học", một giáo viên nêu ý kiến.
Với việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia 2017, giáo viên phải điều chỉnh cách dạy, soạn lại giáo án để truyền tải đầy đủ kiến thức cần thiết cho các em. Nếu ngay từ đầu thầy cô được dạy thêm trên tinh thần tự nguyện của học sinh, họ sẽ có nhiều thời gian hơn để giúp học trò làm quen cách thi mới.
Trong khi đó, nhiều học sinh cuối cấp đã phải học thêm ở nhiều nơi từ đầu năm học. "Bây giờ, trường lại được dạy thêm, em muốn quay về học của thầy cô trên lớp nhưng sẽ phải học lại từ đầu, lãng phí tiền học thêm bên ngoài và công sức thời gian qua", Nguyễn Nam, học sinh lớp 12 tại TP.HCM, cho hay.
Không chỉ giáo viên lúng túng, nhiều phụ huynh cũng chưa biết phải thiết kế chương trình học thêm cho con như thế nào khi vừa cấm một thời gian lại thay đổi.
Chị Hồ Thị Thanh Tâm có con học tại trường chuyên trên địa bàn thành phố, chia sẻ ban đầu, nữ phụ huynh cho con học tăng tiết ở trường và học thêm một số môn như Toán, tiếng Anh, Ngữ văn để thi khối D. Sau đó, chị phải phải tìm trung tâm cho con học để đảm bảo thi tốt nghiệp vì những môn như Vật lý, Sinh học cũng cần phải luyện tập.
"Nếu trường không dạy, phụ huynh rất khổ khi phải đưa con học thêm bên ngoài ở 5, 6 nơi khác nhau. Học phí cũng đắt đỏ hơn trong trường rất nhiều", chị Tâm nói.
Lại quay về 'tự nguyện' và nỗi lo biến tướng
Theo ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - việc bỏ quyết định cấm dạy thêm là tốt nhưng quy định được học thêm dựa trên tinh thần tự nguyện còn rất mập mờ, có thể bị biến tướng khi thực hiện.
"Chúng tôi đặt vấn đề tự nguyện trong dạy thêm và học thêm từ trước nhưng một số trường đối phó bằng cách in mẫu đơn cho các cháu mang về để phụ huynh điền. Một số thầy cô còn tìm cách buộc học sinh đăng ký học thêm", ông Ngai cho hay.
Theo vị nguyên phó giám đốc sở này, kinh nghiệm xử lý tiêu cực trong dạy và học thêm là phải quán triệt đội ngũ giáo viên. Các trường nên có hộp thư hoặc đường dây nóng để phụ huynh, học sinh báo tiêu cực của thầy cô.
Ông Ngai cũng cho rằng Nhà nước đã có quy định về xử lý kỷ luật cán bộ viên chức. Ngành giáo dục cần cụ thể hóa để chấm dứt tiêu cực như mức độ nào thì cảnh cáo, mức độ nào hạ bậc công tác, buộc thôi việc...
"Chúng ta cần xử phạt nghiêm minh mới chấn chỉnh được, vì thực tế không ít thầy cô có biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm", ông Ngai khẳng định.
Muốn cấm phải có lộ trình
Từ phân tích trên, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng muốn cấm dạy, học thêm phải có lộ trình. Dạy, học thêm diễn ra không phải vì vấn đề thu nhập của giáo viên mà chương trình học hiện nay quá tải.
Thời lượng phân bổ cho mỗi môn không đủ để thầy cô đào sâu kiến thức, chỉ có thể giới thiệu những nét cơ bản nhất. Trong khi đó, những kỳ thi như chuyển cấp lớp 10, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng lại hỏi những kiến thức rất sâu. Các em học trên lớp sẽ không đủ trình độ làm bài.
Theo ý kiến của nhiều giáo viên, vấn đề phải làm sao tổ chức quản lý dạy, học thêm để hạn chế tiêu cực, phát huy tích cực. Muốn chấm dứt hẳn dạy, học thêm, ngành giáo dục phải đồng bộ nhiều yếu tố: Biên soạn lại chương trình sách giáo khoa phù hợp, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy của giáo viên, giảm sĩ số trên lớp….
Đặc biệt, giáo viên phải tập cho học sinh khả năng tự học và chủ động trong học tập.
Cùng với mong muốn có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho vấn đề dạy, học thêm trên địa bàn thành phố, nhiều giáo viên, phụ huynh đề nghị sở GD&ĐT mở đường dây nóng để thanh tra và xử lý nghiêm những thầy cô chèn ép học sinh, bắt các em đi học thêm để tăng thu nhập.
Thừa nhận vội vã trong việc cấm dạy, học thêm Ngày 29/9, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM - cho biết sau khi UBND TP.HCM ban hành lệnh cấm dạy thêm, học thêm trong năm học 2016-2017, nhiều ý kiến bức xúc, không đồng tình về quy định này. Ông Hoan cho hay nhận thức của lãnh đạo TP về chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là để giảm tải việc học, giảm áp lực cho học sinh từ phía giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, việc cấm dạy thêm, học thêm cần có lộ trình để tránh gây ra bức xúc trong xã hội. Trước đó, Thành ủy, UBND TP.HCM ra quy định cấm việc dạy thêm trong trường học từ năm 2016-2017 trên địa bàn thành phố. Nhiều phụ huynh, giáo viên trên địa bàn bức xúc, không đồng tình với quy định. Gần đây, một giáo viên ở trường tiểu học đã bị Sở GD&ĐT TP.HCM kỷ luật vì tổ chức dạy thêm trái phép. |
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét