Tự nhận mình vốn là một người lười biếng, Hoàng Hải Linh cho rằng bản thân mình như hoàn toàn lột xác nhờ cuộc sống tự lập khi du học.
Nhận ra không còn ai để đổ lỗi
Từng là cựu học sinh chuyên Anh (Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam) và nhận được học bổng của Trường ĐH Rice với điểm SAT 2280/2400 nhưng nói về mình, Linh tự nhận là "một cô gái rất lười".
"Ngày trước chưa bao giờ em dành hết tâm trí vào việc học. Em không nhận ra được hết tầm quan trọng của việc học nên cũng chỉ học kiểu qua loa", Linh kể.
Thậm chí theo Linh, không chỉ việc học mà bố mẹ còn rất thất vọng vì em lười việc nhà. Linh ghét làm việc nhà và không bao giờ nghĩ rằng bản thân có thể làm tốt được việc nội trợ.
"Vì lười nên mỗi khi làm gì em thường rất lóng ngóng. Như nấu cơm thì quên không cắm điện,… Việc đó diễn ra không phải chỉ một lần và em từng bị mắng rất nhiều. Ngày xua mẹ còn trêu rằng chắc chắn ế chồng vì không biết nấu ăn thì ai lấy", Linh cười.
Cũng chính vì vậy mà thời gian đầu ở ĐH Rice, Linh luôn thấy mệt mỏi và đôi lúc chán chường.
"Bởi chuyển từ nơi mà mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ từ A đến Z, sang một môi trường mà không biết nhờ tới sự giúp đỡ từ ai cả. Tất cả đều phải tự lực..." - Linh chia sẻ. Vì thời gian đầu, sống trong tập thể, các bạn đều đều đến từ một nơi khác nên chưa ai dám nhờ ai...
Và rồi khi không còn ai bên cạnh để ỉ lại nữa, Linh đã phải thay đổi.
Sau một quãng thời gian Linh đã tự làm quen với việc giặt quần áo, dọn nhà đến sử dụng máy hút bụi như thế nào. "Đơn giản rằng lúc đó với mình, nếu không đi giặt thì lấy đâu ra đồ mà mặc, không rửa bát thì lấy gì mà ăn", Linh nói.
Rồi cô nàng tập cho mình thói quen tự thức dậy vào mỗi buổi sáng mà không cần đến việc có bố mẹ phải la hét ầm ĩ, thậm chí là lật tung chăn màn lên để gọi dậy. Cuộc sống tự lập khiến Linh phải lên kế hoạch giờ nào học, giờ nào chơi. Rồi lúc nào phải chuẩn bị bài thuyết trình và đi ngủ lúc mấy giờ để đảm bảo rằng ngày mai có thể tự dậy sớm được.
Điều Linh nhận ra rõ ràng nhất là việc không còn có ai bên cạnh để có thể đổ lỗi cho những việc làm của mình được nữa. "Đi học ở nước ngoài, mình không thể biện minh với thầy cô là tại không ai đánh thức dậy hay tắc đường bố không đưa em đến trường kịp, cho việc vào lớp muộn".
Linh nhận ra mỗi việc mình làm sẽ phải tự chịu hậu quả của nó và một ngày tồi tệ hay tốt đẹp đều do chính bản thân gây ra mà thôi. Hơn lúc nào hết Linh hiểu ra ở Việt Nam mình đã sống dựa dẫm vào bố mẹ, anh chị và bạn bè quá nhiều.
Linh đã lấy làm hãnh diện khi tự nấu được một bữa cơm trọn vẹn ở bên Mỹ và gọi điện ngay khoe với bố mẹ. Bởi theo Linh, để nấu được một bữa ăn ở nơi đất khách khác rất xa so với ở nhà.
"Ở đây, để nấu được một bữa ăn, bạn còn phải tìm tòi cách để có thể đi được từ trường tới siêu thị cách 10-20 km. Bạn sẽ phải nghiên cứu bản đồ về các bến xe bus hoặc xe điện, hoặc phải tính tự lái xe hay nhờ bạn để có thể đến được đó. Đến được siêu thị rồi bạn phải tìm cách mua tất cả các thứ mắm muối, đường,… sao cho hợp lý để sống đủ với số tiền mà bố mẹ cho, thay vì mua bạt mạng như ở nhà", Linh kể.
Coi du học như một khoản vay.
Nói về chuyện tài chính để du học, Linh cho rằng không nên nghĩ đến chuyện đắt đỏ bởi chúng ta bỏ tiên đi học chứ không phải là một cuộc mua bán. "Gọi là đắt có nghĩa các bạn đang nghĩ đi học như mua một nền giáo dục. Mình nghĩ nên nhìn vấn đề này theo hướng chúng ta đang đầu tư thì tốt hơn. Quan trọng là các bạn có biến sự đầu tư này thành có lợi hay không mà thôi", Linh nói.
Linh chia sẻ: "Nhiều bạn than với mình là thương bố mẹ quá, hay là thật có lỗi khi bắt bố mẹ phải trả một khoản tiền lớn để đi du học. Như vậy các bạn đã hoàn toàn sai. Dù bố mẹ có chấp nhận đó là một sự hy sinh cho các bạn, thì cũng đừng bao giờ nghĩ sẽ nhận không điều đó. Hãy nghĩ rằng đó là một khoản tiền bạn vay nợ trước để đi học và sau này sẽ trả lại bố mẹ số tiền ấy, thậm chí là cả lãi nữa".
Dù được học bổng, nhưng với số tiền mỗi năm bỏ ra để trang trải thêm cho việc ăn học, Linh vẫn luôn coi đó là động lực để tập trung học hành nhằm kiếm được một công việc và thu nhập tốt.
Cuộc sống tự lập cũng khiến Linh có cách nhìn khác về cuộc sống."Trước đây, thỉnh thoảng mình có suy nghĩ ước gì sau này lấy chồng đại gia để khỏi phải đi làm chỉ ở nhà cho sướng. Giờ mới thấy lúc đó mình trẻ con quá. Bởi dùng những đồng tiền mà người ta cho mình đó không có gì là vui và hạnh phúc cả. Mình học được điều rằng, hạnh phúc khi tự làm được một điều gì đó và hưởng thành quả từ nó".
Chia sẻ về quá trình apply cho các bạn trẻ đang nuôi ước mơ du học, Linh đưa lời khuyên: Quá trình apply cũng có cả yếu tố may rủi. Mình chưa bao giờ có suy nghĩ để apply thành công ĐH Rice thì bản thân là người học giỏi. Nhưng cũng chưa bao giờ để việc bị các trường ĐH khác từ chối mà cho rằng bản thân quá kém cỏi. Các bạn đừng để quá trình apply định nghĩa hay ảnh hưởng đến con người bạn. Bởi việc bạn giỏi hay kém không dừng lại ở thời điểm nào mà là thành quả của một quá trình.
Hoàng Hải Linh, sinh năm 1997, hiện đang học ngành Khoa học máy tính, một trong top 3 ngành mạnh nhất của trường ĐH Rice (Mỹ).
Linh đam mê về nghệ thuật và từng tham gia nhiều hoạt động như hát và nhảy trong Câu lạc bộ nghệ thuật Glee Ams.
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét