Đến tham quan du lịch hồ Ba Bể ai cũng có thể nhìn thấy một ngôi trường nhỏ nhắn lấp ló sau những cái cây to ven lòng hồ Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn)...
Nằm trong địa phận khu du lịch nổi tiếng nhưng ngôi trường này thuộc diện những trường nghèo và khó khăn nhất huyện. Đó là Trường Trung học cơ sở (THCS) Nam Mẫu có 134 học sinh, trong đó có tới 82,6% là học sinh người Mông và Dao.
Kể về học trò mà giọng cô nghẹn lại…
Trường THCS Nam Mẫu được xây dựng năm 2005, là trường chính được ghép giữa cấp 1 và cấp 2. Với địa hình đồi núi, được xây dựng trên đá, ven hồ nên cơ sở vật chất của trường vẫn rất khó khăn. Hiện tại trường đã có nơi ở bán trú cho 55 em học sinh.
Cô Ma Thị Chuyên - Hiệu trưởng trường cho biết, các em nhà xa ở bán trú tại đây đều được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể là 400.000 đồng 1 tháng/1 em học sinh, đầy đủ 3 bữa ăn, nhưng ở đây các em khổ lắm, ai cũng thèm đồ ngọt và mỳ tôm.
"Có 1 học sinh mà giờ nhắc tới tôi lại thấy nghẹn ngào. Đó là em Giàng Thị Lý, học sinh lớp 6, hiện đang ở bán trú tại trường. Gia đình em có 6 người, hoàn cảnh rất khó khăn, nhà cách xa trường, thầy cô cuối tuần dọn rác để gọn vào thùng nhưng một lúc sau thấy em Lý bới tung thùng rác lên, tôi đi ra hỏi em thì em ấy trả lời: " Em đói!" – cô Chuyên tâm sự.
Khi phóng viên thắc mắc về việc Nhà nước đã hỗ trợ học sinh dân tộc miền núi rất nhiều, tại sao em ấy lại đói đến mức phải đi bới thùng rác lên vậy thì cô Chuyên cho biết, theo quy định là 1 tuần sẽ được nghỉ thứ bảy, chủ nhật, nhưng do các em nhà xa đi lại khó khăn nên ở lại tại trường, hiện tại có nấu bữa ăn cho các em đến thứ 7, nhưng chủ nhật không có người nấu, một số em thường đến phòng cô giáo xin mỳ tôm để ăn.
"Riêng trường hợp em Lý, cũng vì hoàn cảnh khó khăn, em ấy về nhà cũng không có gì ăn nên ở lại trường, đói quá nên em ấy làm thế" - nói đến đây giọng cô nghẹn lại.
Theo cô Chuyên, hiện tại các em còn thiếu sách, vở rất nhiều. Đồ dùng thí nghiệm không có, thư viện của nhà trường nghèo nàn, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đọc của thầy cô và học sinh. Ngoài khó khăn và thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, điều mà các thầy cô vẫn còn trăn trở, là tình trạng tảo hôn vẫn còn.
Năm nay có một học sinh bỏ học vì… lấy chồng. Học sinh ở đây đa số là người Mông và Tày, mỗi khi có tục lệ cưới xin là cả làng đi dự, các em nghỉ học tự do để đi cùng bố mẹ nên các thầy cô giáo phải đi vận động các em đi học, hầu như tháng nào cũng xảy ra.
Cô Chuyên kể, hàng năm vào ngày 15 tháng giêng, các thầy cô giáo đã dặn rất kĩ các em học sinh khi đi chơi hội " không được đi bắt pao nhé!". Ai ở đây cũng biết, Lễ hội Lồng tồng, hay bất kỳ lễ hội nào khác, tại đây thường tổ chức ném pao (quả còn).
Khi bên nam tung quả còn đầy tua rua ngũ sắc lên và bay về phía nữ, nếu ai bắt được quả pao thì coi như cặp đôi đó… đã có cảm tình với nhau. Thông lệ, con gái mà bắt được pao của con trai thì sẽ hẹn hò và cưới nhau. Những năm trước, việc học sinh lớp 8, lớp 9 của trường đã bỏ học lấy chồng sau khi bắt được quả pao trong ngày lễ hội đã xảy ra. Thương trò, các thầy cô luôn dặn dò các em kỹ lưỡng như thế…
Những ước mơ từ vùng gian khó
Không phải ai khi sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn cũng trở nên thu mình và phó mặc cho số phận. Tại đây, các thầy cô đã cố gắng và cống hiến hết mình đến gieo con chữ trên các bản làng xa xôi. Vận động bà con cho con em đi học, xóa mù chữ, hướng cho các em những ước mơ tươi đẹp, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó và xây dựng quê hương phát triển.
Với một lòng yêu nghề và sự tận tụy của các giáo viên trong trường, các em học sinh đã đến trường chăm chỉ, cố gắng học tập. Tiêu biểu có em Nguyễn Thủy Băng, học sinh lớp 6 đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán và em Chu Quang Vinh lớp 9 đặt danh hiệu Học sinh giỏi cấp huyện môn Văn.
"Cuộc sống nghèo khó, không được tiếp xúc với khoa học công nghệ. Vào những tiết có máy chiếu là các em hứng thú và ham học lắm" - cô Hiệu trưởng Ma Thị Chuyên tâm sự. Học sinh ở Nam Mẫu gắn liền với giáo viên, ăn, ở và học cùng nhau, mà xa lạ với điện thoại và những tiện nghi. Suốt quá trình học tập mấy năm ở đây, thầy cô đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai. Tình cảm gắn bó giữa thầy trò và học sinh rất sâu sắc. Em Giàng Thị Lý chia sẻ: "Em quý các thầy cô lắm, các cô luôn chăm sóc và bảo vệ chúng em. Mỗi khi em và các bạn đói là các cô mang mì tôm, bánh kẹo cho chúng em".
Cuộc sống khó khăn là thế, các thầy cô khi sống xa nhà, họ không bao giờ nghĩ tới cho bản thân mà luôn nghĩ cho học sinh, những đứa con của mình. Nhìn các em còn bé mà phải đi làm nương rẫy giúp bố mẹ, cơm ăn không đủ no, họ chỉ mong sao các em được ăn uống no đủ, có sách vở đến trường.
Cô Ma Thị Chuyên tâm sự: "Mỗi tuần tôi đến thăm các điểm trường trong vùng sâu, thấy cuộc sống giáo viên rất khó khăn, hiện tại chưa có nhà ở. Cứ mỗi lần đi về là trong đầu suy nghĩ rất nhiều vì thương và trăn trở mong sao các thầy cô ở đó có gian nhà để ở, có nhà tắm tử tế, hay đến chiếc xoong nồi bếp cũng lành hơn.
Cô giáo Phùng Thị Tiếp là giáo viên nhiều tuổi nhất trường, bước sang học kì sau là cô nghỉ hưu. Là một trong những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng cô Tiếp còn có nhiều mơ ước còn dang dở: mơ căn nhà ven hồ không dột nát, mơ cái đói, cái nghèo không len vào bữa ăn, giấc ngủ của các em.
Người giáo viên già cả đời chưa một lần khoác lên trên mình bộ áo dài để mặc trong những ngày lễ. Không chỉ có cô Tiếp, các cô giáo khác cũng chưa có bộ áo dài nào để mặc một lần… Khó khăn là thế nhưng các thầy cô Trường THCS Nam Mẫu vẫn quyết tâm bám trường, bám bản, vì học sinh thân yêu.
Click help me: new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét